Trở về trang đầu » » An toàn và an ninh thông tin

An toàn và an ninh thông tin


Hiện nay, mạng thông tin toàn cầu (internet) đã và đang phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Theo số liệu được công bố thì có khoảng 1/3 dân số thế giới (tương đương 2,3 tỷ người) sử dụng internet. Tại Việt Nam, 31 triệu người đang sử dụng internet (chiếm 35% dân số), dự báo tới năm 2014 con số này sẽ tăng lên 40-45 triệu người.

Với sự bùng nổ thông tin, bên cạnh những mặt tích cực, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì internet cũng chứa đựng những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thông qua việc xuất hiện hàng loạt trang thông tin điện tử của các cá nhân, tổ chức.



Lợi dụng điều đó, các thế lực chống đối, thù địch ở trong nước và nước ngoài đã tận dụng các website, blog, mạng xã hội đăng tải hoặc trích dẫn có chủ định nhiều thông tin bịa đặt, vu khống nhằm xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi xấu cán bộ lãnh đạo; kích động người dân chống đối chính quyền; tạo sự hoài nghi, gây dư luận xấu trong xã hội; tập hợp các phần tử bất mãn, chống phá chế độ… Thậm chí một số website, blog còn công khai "tự phong" thuộc dạng "lề trái", đi ngược với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không khó để nhận biết những ý đồ đen tối, thâm độc đó là nhằm thực hiện âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ","nhân quyền" hòng chống phá cách mạng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Điều đó cũng đã được phân tích và chỉ rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Thời gian qua, có thể thấy việc quản lý thông tin trên internet của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ, một số biện pháp hành chính và kỹ thuật còn thiếu tính khả thi và kém hiệu quả. Điều đó làm cho an ninh mạng, an ninh thông tin vẫn còn những "lỗ hổng". Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm, mặt khác cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài, chính sách pháp luật để phục vụ cho công tác quản lý mà điển hình là việc Bộ Công an đang kiến nghị Quốc hội sớm đưa an ninh thông tin vào chương trình xây dựng luật.

Việc Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cụ thể trách nhiệm của các ngành, các cơ quan chức năng trong việc "xử lý thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước" vào thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời. Bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin; nhanh chóng xây dựng, củng cố hạ tầng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng là cần chủ động cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc chống Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, cũng rất cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch thông qua việc lợi dụng công nghệ thông tin.

Thái Sơn
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us