Trở về trang đầu » » Việt Tân bày game mới 2012

Việt Tân bày game mới 2012

Nguyễn Quốc Quân (hình Vietweekly)
TRẦN NHẬT PHONG 

Báo chí trong nước loan tin, ông Nguyễn Quốc Quân, một thành viên của đảng Việt Tân đã chính thức bị bắt tại phi trường Tân Sơn Nhất ngày 17 tháng 4 vừa qua, với tội danh "âm mưu khủng bố." Ông đã xin visa nhập cảnh Việt Nam với tên là Richard Nguyễn. Đây là lần nhập cảnh thứ hai và bị bắt, trước đó ông Nguyễn Quốc Quân cũng đã từng nhập cảnh Việt Nam với tên gọi là "Lý Seng," bị nhà nước Việt Nam kết án sáu tháng tù và trục xuất khỏi Việt Nam. 

CHIẾN LƯỢC KHÔNG THAY ĐỔI 
Hàng năm cứ gần tới mùa bầu cử, đảng Việt Tân luôn đưa ra các động thái nhằm gây tiếng vang cho các mục tiêu về chính trị, bao gồm đưa người vào Việt Nam để bị bắt (nhưng chỉ vi phạm những lỗi nhỏ, có thể được can thiệp bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ), thúc đẩy những người đang tranh đấu cho công bằng xã hội trong nước lên tiếng, khuấy động và có các động thái vi phạm luật lệ của Việt Nam, rồi kích động cộng đồng, tri hô với chính giới Hoa Kỳ là Việt Nam đàn áp nhân quyền, bắt giữ người bất hợp pháp v.v. 


Kịch bản này luôn được lập lại. Kế tiếp sẽ là các dân cử có sự hỗ trợ của đảng Việt Tân như Loretta Sanchez, Lou Corea, Chris Smith v.v. sẽ lên tiếng kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho những người bị bắt giữ. Đương nhiên như đã nói ở trên, những người bị bắt khi nhập cảnh Việt Nam đều cố gắng giữ mình chỉ vi phạm những lỗi nhỏ để Bộ Ngoại giao Hoa kỳ có thể can thiệp, do đó họ chỉ bị giữ vài ngày hoặc tối đa vài tháng là được trả tự do. 

Cuối cùng, đảng Việt Tân sẽ cho là chiến thắng vì thành công ép được nhà nước Việt Nam trả tự do cho thành viên của họ, các dân cử sẽ có công trạng tranh đấu và tiếp tục nhận được phiếu bầu của cử tri gốc Việt. 

Mỗi năm đều có game và kịch bản mỗi game đều giống nhau. Dường như đảng Việt Tân đang gặp bế tắc và không có lối thoát nào khác ngoại trừ những chiến lược mang tính giai đoạn như hiện nay. 

Thứ nhất, đối với cộng đồng, đảng Việt Tân luôn bị đám đông quần chúng có thành kiến, tẩy chay thậm chí nhiều nơi còn quá khích chống phá tất cả các hoạt động của đảng này. Do đó, Việt Tân luôn có khát vọng chinh phục cộng đồng bằng những vụ nói trên, mong rằng các thành phần trong cộng đồng sẽ thay Đỗi cái nhìn đối với họ. Tiếc rằng, cho đến nay Việt Tân chưa hề đạt được mục tiêu. Một phần là vì những hành động trong quá khứ chưa được minh bạch, một phần khác là do chủ trương thiếu bản lãnh đương đầu với dư luận. Mỗi khi có sự kiện, Việt Tân chỉ muốn chọn những nơi nào có cảm tình để lên tiếng, không dám đương đầu với những cá nhân, tổ chức hoặc truyền thông để lý luận bảo vệ các đường lối hoạt động. 

Thứ hai, đối với chính giới Hoa kỳ, đảng Việt Tân chỉ là một tổ chức hoạt động về chính trị với phương thức trao Đỗi quyền lợi. Việt Tân tạo sự kiện để các dân cử Hoa Kỳ có cơ hội kiếm phiếu, ngược lại các dân cử sẵn sàng thỏa mãn một số yêu cầu của đảng Việt Tân, với điều kiện những yêu cầu này không gây ảnh hưởng quan hệ đang tốt đẹp giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. 

Do yếu tố chỉ lợi dụng lẫn nhau, nên sự ủng hộ của các dân cử chỉ giới hạn. Họ chưa bao giờ giúp Việt Tân tạo được ảnh hưởng sâu rộng trên quốc hội mà chỉ là những trò ve vãn bên lề của quốc hội. Trong khi đó, Việt Tân lại không có giải pháp nào để thuyết phục cả lưỡng viện quốc hội xác nhận vai trò đối lập của Việt Tân đối với Việt Nam. Cho đến nay đối với chính phủ Hoa Kỳ, Việt Tân chỉ là một tổ chức cá nhân, không phải là một đảng phái chính trị đối lập của Việt Nam, vai trò của họ không hề được thừa nhận với tên gọi là đảng phái chính trị. 

Ngoài ra, sự hợp tác và thúc đẩy quyền lợi giữa Hoa Kỳ - Việt Nam càng lúc càng rõ nét hơn. Hòa Kỳ cần Việt Nam để hoàn tất chiến lược của họ tại Á Châu Thái Bình Dương, ngược lại Việt Nam cần Hoa kỳ để phát triển kinh tế và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc về hướng nam. Thời gian này được xem là "tuần trăng mật" của hai cựu thù ngày xưa, quan hệ tốt đẹp của hai phía càng lúc càng chín mùi, do đó các hoạt động của Việt Tân chỉ gây khó chịu cho cả hai phía. Việt Tân sẽ càng gặp khó khăn hơn, thậm chí có thể sẽ bị cấm cửa hoạt động tại Hoa kỳ vì có hành động gây hại đến quốc gia đối tác của Hoa kỳ. 

Thứ ba, đối với phía chính quyền Việt Nam xưa nay vẫn xem Việt Tân là "tổ chức khủng bố." Mỗi lần xảy ra sự kiện, hàng trăm tờ báo trong nước đều "đồng khí tương cầu" trên các bản tin, sự việc này đã kéo dài nhiều năm và đa phần công chúng (gần 90 triệu dân) đều xem Việt Tân giống như "khủng bố." Họ không biết Việt Tân là ai, hoặc có biết cũng tránh né tiếp xúc hoặc không muốn có quan hệ gì với tổ chức này. Rốt cuộc, Việt Tân chỉ có khoảng vài người biết đến hoặc có cảm tình. 

Thêm vào đó các nhà hoạt động chống bất công xã hội đang bị chính quyền Việt Nam theo dõi, giám sát, cũng tránh né các liên lạc hoặc có quan hệ với Việt Tân, vì họ không muốn bị kết tội nặng hơn vì "liên kết với phần tử xấu âm mưu lật Đỗ chính quyền." Và nhiều người trong số họ chỉ là những nhà tranh đấu về mặt xã hội, họ không muốn bị biến thành tranh đấu về chính trị. 


SAI LẦM TRONG VỤ NGUYỄN QUỐC QUÂN 

Ngay sau khi ông Nguyễn Quốc Quân bị bắt, các thành viên, cảm tình viên của Việt Tân lập tức lên tiếng như chủ tịch Đỗ Hoàng Điềm, Lý Thái Hùng, Hoàng Tứ Duy, Lê Nguyên Hồng v.v... Mỗi người giải thích theo một kiểu khác nhau, nhưng tựu chung chỉ muốn nhấn mạnh các hoạt động hiện nay của Việt Tân, và phê phán hành động của nhà nước Việt Nam. 

Chủ tịch Đỗ Hoàng Điềm trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Người Việt cho rằng, Việt Tân có hoạt động tại Việt Nam và xâm nhập nhiều lần, đồng thời thừa nhận những "vấp váp" trong quá khứ, bị nhiều đảng phái khác đối kỵ và bị đánh phá bởi phía Việt Nam. 

Trong khi đó Lê Nguyên Hồng trong bài viết cho rằng, "CSVN hoảng loạn khi bắt ông Nguyễn Quốc Quân." Một mặt ông này cho rằng chính quyền Việt Nam sợ hãi trước các hoạt động của Việt Tân, nhưng đến cuối bài lối văn lại "mềm dẻo" gần như năn nỉ nhà nước Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Quốc Quân. 

Còn trong bản thông cáo báo chí, ông Hoàng Tứ Duy tri hô rằng Việt Nam bắt giữ người bất hợp pháp, với những ngôn từ nặng mùi lập trường chính trị, đòi hỏi Việt Nam trả tự do "vô điều kiện" cho ông Nguyễn Quốc Quân. 

Những lần trước hầu như xảy ra sự kiện, chỉ có chủ tịch Đỗ Hoàng Điềm lên tiếng, và Việt Tân sử dụng những cơ quan ngôn luận của tổ chức để "giải độc" với dư luận. Riêng lần này số lượng thành viên lên tiếng khá đông, cho thấy Việt Tân đang có nỗ lực đánh động dư luận với hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của quần chúng trong vụ ông Nguyễn Quốc Quân. 

Có lẽ đây là sự tính toán sai lầm của Việt Tân và giờ đây phải cố gắng "chữa lửa." Trong vài ngày sắp tới có lẽ Việt Tân sẽ đưa ra nỗ lực hơn nữa để tìm cách rút ngắn thời gian bị giam giữ của ông Nguyễn Quốc Quân. 

Thứ nhất, về khung luật pháp, ngoại trừ động cơ chính trị mà ông Quân đang đối diện với tội danh mà nhà nước Việt Nam gọi là "âm mưu khủng bố" ra, ông Quân sẽ còn đối diện với án tù khác mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khó lòng can thiệp, đó là vi phạm luật lệ Việt Nam về tình trạng bị trục xuất. 

Năm 2007, ông Quân bị kết án sáu tháng tù cho hành động tương tự và đến năm 2008 ông được trả tự do và bị trục xuất về Hoa Kỳ. Với công dân của một quốc gia nào đó bị trục xuất theo công pháp quốc tế, họ sẽ bị cấm nhập cảnh trở lại quốc gia đó, nếu vi phạm sẽ bị kết án tù cao hơn và bị xử bởi luật lệ của quốc gia đó. 


Ông Quân từng bị Việt Nam trục xuất, và theo đó ông bị cấm nhập cảnh Việt Nam với mọi hình thức. Nay ông đổi tên trên passport thành một tên khác, rồi cố tình nhập cảnh Việt Nam, dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ muốn can thiệp cũng khó lòng vì hành động cố tình vi phạm luật lệ của Việt Nam, đó là chưa kể sự cố vi phạm này lại mang theo động cơ chính trị như lời xác nhận của chủ tịch Đỗ Hoàng Điềm hay Hoàng Tứ Duy.

Thứ hai, ông Quân bị bắt giữ ngay sau khi vừa nhập cảnh vào phi trường Tân Sơn Nhất, điều này chứng tỏ an ninh Việt Nam đã biết trước kế hoạch xâm nhập của ông Quân.

Với kinh nghiệm đối phó với sự xâm nhập của Việt Tân từ nhiều năm qua và các kế hoạch tạo tiếng vang, thông thường Cục An ninh Việt Nam sau khi bắt giữ mới thông báo cho Bộ Ngoại giao Hoa kỳ biết thông qua qua tòa Tổng lãnh sự hay Đại sứ quán tại Việt Nam, phía Hoa Kỳ sẽ phái người tìm hiểu sự kiện rồi mới quyết định can thiệp hay không.

Lần này, Cục An ninh Việt Nam đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam biết trước việc bắt giữ, và Bộ ngoại giao Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đã được thông báo đầy đủ trước khi họ tiến hành bắt giữ ông Quân tại phi trường. Do đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ cử người hiện diện trong cuộc phỏng vấn để đảm bảo phía Việt Nam không có hành vi thô bạo với công dân của họ.

Ngoài ra, các cuộc thẩm vấn sẽ được ghi âm và ghi hình đầy đủ, mọi trình tự đều được thông báo đầy đủ cho phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Dù các dân cử ủng hộ Việt Tân có can thiệp, họ không chỉ nghe báo cáo một phía của Việt Tân, mà còn chờ báo cáo chính thức từ Bộ Ngoại giao với những văn bản thông báo trước khi bắt giữ và những trình tự thẩm vấn được phơi bày. Các dân cử cũng khó lòng mở miệng vì hành động vi phạm luật pháp quá rõ ràng, cũng như thái độ khi thẩm vấn của ông Quân, Việt Tân khó cơ hội nói ngược rằng ông Quân bị “khủng bố tinh thần" và phải ký vào văn bản phạm tội, vì tất cả đều có sự giám sát của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Lần này, Việt Tân sai lầm khi dùng các chiêu thức cũ, vi phạm các lỗi nhẹ trong phạm vi can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Việt Tân không biết rằng sau nhiều lần cử người xâm nhập theo chiêu thức này, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự hợp tác và làm việc rõ ràng hơn, tránh kích động và gây hại cho các mối quan hệ giữa hai nước.

Ngoài ra việc thúc đẩy dự án TPP giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, theo đó đôi bên sẽ cố gắng đạt được vào tháng 11 cuối năm nay, phía Hoa Kỳ đã có chính sách và chiến lược dành cho Việt Nam. Rất có thể theo thỏa thuận phía Hoa Kỳ sẽ dựa theo các bằng chứng hiện nay và quá khứ để chấm dứt các hoạt động chính trị "chống phá Việt Nam" của Việt Tân, theo yêu cầu của phía Việt Nam, tương tự như trường hợp Tướng Vàng Pao năm 2007.

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn luôn sẽ là cây gậy và củ cà rốt. Cho đến thời điểm hiện nay, cây gậy của Hoa Kỳ đối với Việt Nam chính là chính sách "nam tiến" của Trung Quốc chứ không phải sự đối lập của Việt Tân với Việt Nam.

Trong khi mục tiêu sau cùng của Việt Tân là mong muốn được quần chúng cộng đồng Việt Nam hải ngoại, chính phủ Hoa Kỳ xác nhận họ là đảng đối lập với chính phủ Việt Nam để có thể giành hoặc chia quyền cai trị. Nhưng cho đến hiện tại, với các xu thế hiện nay có vẻ khát vọng trên của Việt Tân chỉ là ảo vọng.

Phía chính phủ Việt Nam chưa hề xem Việt Tân là đảng chính trị đối lập, họ chỉ xem Việt Tân là "tổ chức khủng bố." Cộng đồng Việt Nam hải ngoại bị phân hóa rất nhiều, nhưng đa phần đều không ủng hộ cho các khuynh hướng hoạt động của Việt Tân, điển hình qua vụ "Thỉnh Nguyện Thư." Cả nhóm Trúc Hồ lẫn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đều bác bỏ sự tham gia và gần như chỉ trích Việt Tân rất nặng nề. Các tay viết chống cộng thường xuyên như Kim Sơn Hà Văn Âu, Việt Thường, Trần Thanh, Trương Minh Hòa, Duyên Lãng Hà Tiến Nhất v.v... cùng hàng trăm website đều hàng ngày phê phán hay chỉ trích các hoạt động của Việt Tân.

Trong khi đó, chính phủ Hoa Kỳ cũng chưa hề thừa nhận Việt Tân là một chính đảng đối lập với Việt Nam, chỉ xem Việt Tân là một tổ chức chính trị thiểu số thông qua một số chính trị gia dòng chính tập tành trò chơi vận động hành lang. Do đó, hầu như Việt Tân không có tư thế để đạt được các mục tiêu mong muốn. 

KHÔNG CÓ GIẢI PHÁP 
Qua vụ ông Nguyễn Quốc Quân bị bắt giữ ngày 17 tháng 4 vừa qua, cho thấy Việt Tân vẫn chưa hề có những chiến lược thiết thực hơn, và đang đưa ra nỗ lực cố gắng giành tiếng vang cho tổ chức, với hy vọng đánh động được đám đông ủng hộ, cũng như muốn tạo cơ hội cho các dân cử như Loretta Sanchez, Lou Corea, Chris Smith có dịp lên tiếng để kiếm phiếu mùa bầu cử.

Sự bế tắc về đường hướng hoạt động và thiếu giải pháp chinh phục cộng đồng, Việt Tân có thể đối diện với sự phá sản về nhân sự. Vì cho đến nay, hầu như các nhân vật đầu não của Việt Tân chiếm giữ những vị thế quan trọng, đều xuất phát từ gia đình của ông Hoàng Cơ Minh. Nhiều người có cảm tình với Việt Tân trước đây hoặc đã tham gia vào các hoạt động của Việt Tân sẽ dần dần bỏ rơi hoạt động của tổ chức này. Một phần vì bế tắc như đã nói trên, một phần vì giới hạn sự phát triển trong tổ chức không có cơ hội trở thành lãnh đạo tổ chức này, nếu không phải là thành viên trong gia đình của ông Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Long hay Hoàng Cơ Định.

Nhưng nếu để tìm ra giải pháp để giải quyết những bế tắc với cộng đồng, Việt Tân lại phải đối diện với những việc làm trong quá khứ mà chưa hề có lời giải thích mang tính thuyết phục nào với quần chúng. Từ chuyện quyên góp tiền bạc ở thập niên 80, 90 cho đến các vụ thanh trừng trong nội bộ v.v... Đây sẽ là bài toán khó tìm ra đáp án của Việt Tân.

Tóm lại, lần này phía nhà nước Việt Nam rất có thể kết án nặng nề đối với ông Nguyễn Quốc Quân mà Bộ Ngoại giao Hoa kỳ chỉ có thể đề nghị phía Việt Nam giảm án, không như dự tính ban đầu của Việt Tân là sẽ giam độ vài ngày hay vài tháng rồi thả ra.

Riêng với cộng đồng người Việt hải ngoại, sự vận động quần chúng của Việt Tân sẽ không gây ồn ào như vụ Đỗ Thành Công trước đây, vì kịch bản được lập lại quá nhiều lần sẽ khiến người trong cộng đồng nhàm chán và cho rằng vô ích.

Theo Vietweekly
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us