Trở về trang đầu » » Chỗ ngồi của luật sư

Chỗ ngồi của luật sư

Ghế của đại diện VKS ngang hàng với HĐXX
Lâu nay những người hoạt động trong các cơ quan tố tụng và giới luật sư cứ cãi nhau hoài về chỗ ngồi của luật sư trong các phiên tòa hình sự.

Bên “đấu tranh” cho luật sư được ngồi ngang bằng với kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đưa ra đủ các lý lẽ để chứng minh cho quan điểm của mình. Ngược lại, bên “bảo thủ” cũng có các lập luận để giữ nguyên như cũ (ghế của đại diện VKS ngang hàng với HĐXX, luật sư ngồi thấp hơn). Vậy thực chất của nó là gì, đâu là điều nên theo?

Chỗ ngồi Của Luật Sư dưới thấp
Trong nhiều cuộc hội thảo bàn về vị trí, vai trò của luật sư tại phiên tòa, phía “ấm ức” vì bị ngồi dưới cho rằng: Chỗ ngồi của các luật sư tại phiên tòa phải được ngang hàng với đại diện VKS mới thể hiện sự văn minh, bình đẳng trước pháp luật; kiểm sát viên chỉ đại diện cho Nhà nước giữ quyền công tố chứ không phải là HĐXX nên không thể ngồi cao hơn luật sư. Luật sư ngồi ngang hàng với VKS là xu hướng tiến bộ thể hiện sự bình đẳng trong tố tụng giữa bên “buộc” và bên “gỡ”... Không chỉ giới luật sư mà có cả thẩm phán, kiểm sát viên cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng trong quá trình cải cách tư pháp nên bố trí lại phòng xử án vì chỗ ngồi tại phiên tòa tuy chỉ là hình thức nhưng nhìn vào đó người ta cũng có thể đánh giá được nền tố tụng của một nước có tiến bộ hay không….

Thực tế, bốn năm trước đã có tòa án tiên phong “thử nghiệm” sắp xếp phòng xử án theo hướng nâng cao chất lượng tranh tụng: Bàn thư ký phiên tòa đặt ngay trước mặt HĐXX, bàn dành cho luật sư được đặt ngang hàng với bàn dành cho đại diện VKS. Nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì mà đến nay, phòng xử án “thử nghiệm” này vẫn chưa được đưa vào sử dụng?!

Những người không đồng tình để luật sư ngồi ngang hàng với VKS thì cho rằng quan hệ hình sự tự bản thân nó đã mang tính “bất bình đẳng” nên bên buộc tội (đại diện cho quyền lực nhà nước) không thể ngồi ngang hàng với bên gỡ tội (đại diện cho người bị xét xử).

Tòa tại Mỹ, ghế luật sư ngang  hàng với VKS
Quan niệm như vậy là không ổn, nếu giữa Nhà nước với người bị xét xử tự thân đã mang tính “bất bình đẳng” thì Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chẳng cần quy định nguyên tắc: “Mọi người đều bình đẳng trước tòa án” làm gì. Hơn nữa, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân! Quyền lực nhà nước (trong đó có quyền tư pháp) cũng là của dân giao cho Nhà nước thực hiện, sao lại coi Nhà nước trên dân?! Tại phiên tòa, kiểm sát viên cũng như những người tham gia tố tụng khác, đều phải chấp hành nội quy và chịu sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa; nếu phát hiện có vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng thì chỉ có quyền đề nghị HĐXX xử lý hoặc báo cáo với viện trưởng, chứ kiểm sát viên đâu có quyền giải quyết hay quyết định tại phiên tòa! Nếu cho rằng vì kiểm sát viên có quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cả HĐXX thì có lẽ chỗ ngồi của kiểm sát viên phải cao hơn cả chỗ ngồi của HĐXX mới đúng?!

Quan điểm “bảo thủ” cũng cho rằng tố tụng ở ta là “thẩm vấn kết hợp với tranh tụng” nên chỗ ngồi của luật sư không thể ngang bằng với kiểm sát viên. Cũng có người cho rằng nếu “sửa” lại chỗ ngồi của luật sư sẽ tốn kém. Lập luận này coi bộ không ổn: Đâu cứ phải tố tụng tranh tụng luật sư mới được ngồi ngang hàng với kiểm sát viên. “Sửa” lại chỗ ngồi của luật sư cũng chẳng tốn kém gì…

Chỗ ngồi của luật sư, công tố viên phản ánh hình thức của phiên tòa hình sự, không nên coi là chuyện nhỏ, vì nó thể hiện sự văn minh, dân chủ trong hoạt động xét xử và sự tôn trọng của cơ quan tố tụng với luật sư, bị cáo. Vì thế các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm trong tiến trình cải cách tư pháp. Còn nếu cho rằng chỗ ngồi không quan trọng thì có lẽ cũng chẳng cần phải xây dựng phòng xử án làm gì!

theo ĐINH VĂN QUẾ Pháp Luật TP
Giới thiệu bài nầy :

1 nhận xét:

  1. Nguyễn Thu Thìn6.10.12

    "Chỗ ngồi của luật sư, công tố viên phản ánh hình thức của phiên tòa hình sự, không nên coi là chuyện nhỏ, vì nó thể hiện sự văn minh, dân chủ trong hoạt động xét xử và sự tôn trọng của cơ quan tố tụng với luật sư, bị cáo. Vì thế các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm trong tiến trình cải cách tư pháp. Còn nếu cho rằng chỗ ngồi không quan trọng thì có lẽ cũng chẳng cần phải xây dựng phòng xử án làm gì!"
    ***
    ĐÚNG VẬY!HIỆN NAY LUẬT SƯ KHÔNG CÓ Ý NGHĨA GÌ THONG HẦU HẾT CÁC PHIÊN TÒA,CÁI HĐXS HỌ BỎ NGOÀI TAI,BẤT CHẬP LUẬT PHÁP,HỌ XỬ THEO 'ÁN ĐÃ BỎ TÚI".
    NHƯNG RỒI SẼ KHÁC CHỨ KHÔNG THỂ MÃI NHƯ HÔM NAY.
    ĐỒNG Ý VỚI TÁC GIẢ ĐINH VĂN QUỄ.

    Trả lờiXóa

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us