Một số trang mạng xấu trên Internet |
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến các sự kiện đăng tải trên các trang mạng xã hội. Tuần trước, TAND TP.HCM đã tuyên phạt đối với một số người viết blog với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ luật hình sự.
Cùng với đó, cơ quan an ninh điều tra cũng đã tiến hành làm rõ một số trang thông tin điện tử, mà chủ yếu cũng là các trang mạng và blog cá nhân đã có hành vi tuyên truyền kích động, xuyên tạc nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu khống và bịa đặt thông tin đối với lãnh đạo đảng và nhà nước. Sự thật về những âm mưu và thủ đoạn của các trang mạng đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để đưa ra xử lý theo pháp luật. Thực tế trên cho thấy, cần phải có những giải pháp và hành lang pháp lý hữu hiệu, đồng bộ để đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệnh, phá hoại trên internet hiện nay.
Vụ việc khởi tố, bắt giữ đối với một số quan chức ngân hàng ACB xảy ra gần đây là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Theo cơ quan chức năng, đây chỉ là quá trình thực hiện tố tụng thông thường, nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý hơn nữa đối với hoạt động tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, vụ việc này đã bị nhiều trang mạng xã hội thổi phồng, thậm chí xuyên tạc về thị trường tài chính, gây hoang mang dư luận. Thậm chí, các trang mạng này còn thông qua đó để suy diễn, bịa đặt, vu khống đối với cá nhân một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ trưởng. Đáng lo ngại hơn, trong thời gian gần đây, những thông tin như vậy xuất hiện ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: Có thể nói đây là một mưu đồ hòng lợi dụng công cuộc chỉnh đốn Đảng của chúng ta hiện nay để muốn gây mâu thuẫn trong nội bộ Đảng. Chúng tuyên truyền, kích động gây phương hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhằm ảnh hưởng, ngăn cản mục đích tốt đẹp của chúng ta trong việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chính đốn Đảng.
Theo Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân: Những trang mạng đó rất nguy hiểm và có xu hướng lái độc giả theo một hướng khác, làm cho người dân không còn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ và Nhà nước, không còn tin vào những cố gắng, nỗ lực mà chúng ta đang tiến hành hàng ngày để cải thiện mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, làm cho người dân kém tin vào chủ trương, chính sách đổi mới của chúng ta, kém tin vào chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Chỉ cần truy cập vào mạng internet có thể tìm thấy hàng loạt các blogs, các trang mạng xã hội giả danh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lợi dụng môi trường mở toàn cầu của internet, những trang mạng này đã gieo rắc những thông tin không chính thống, trong đó có sự cóp nhặt thông tin từ các trang mạng phản động có máy chủ đặt tại nước ngoài. Thủ đoạn thường thấy là sự ngụy tạo thông tin, tức là những thông tin xuyên tạc, bịa đặt thường được đặt xen lẫn những thông tin chính thống, có thật để tạo lòng tin đối với người đọc.
Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng: Trên môi trường mở của internet, chúng cũng triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền chống phá chúng ta trên nhiều mặt trận, nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị, kinh tế, chúng không từ một thủ đoạn nào. Chúng dùng thủ đoạn trộn lẫn trắng đen, phải trái để làm mục đích bôi đen, có ý đồ nói xấu, bịa đặt thông tin, gây chia rẽ nội bộ, đả phá vai trò lãnh đạo của cán bộ Đảng, xuyên tạc lịch sử, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Nhiều giải pháp công khai, minh bạch thông tin đã được triển khai, giúp cho báo chí chính thống thực hiện tốt sứ mệnh định hướng dư luận xã hội và thông tin nhanh nhạy, kịp thời về những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó phải kể đến: Chất vấn Quốc hội công khai, Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, họp báo thường kỳ các bộ… Tuy nhiên trong không ít trường hợp, việc cung cấp thông tin cho báo chí chính thống chưa kịp thời hoặc chưa đầy đủ, đã tạo ra một khoảng trống về nhu cầu thông tin, một số trang mạng xã hội đã lợi dụng cơ hội này để bình luận và gieo rắc những thông tin xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc cải thiện quy trình cung cấp thông tin cho báo chí chính thống theo hướng nhanh nhạy, minh bạch hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã hoàn thành bản Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng. Theo đó, hành vi sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo cơ quan chức năng, trên internet hiện nay đang tồn tại nhiều hơn 50 trang mạng loại này, mà máy chủ thường đặt ở nước ngoài. Riêng các trang mạng như Quan Làm Báo, Dân Làm Báo máy chủ được đặt ở nước ngoài, nhưng việc ghép nối, sắp đặt và đưa thông tin lên mạng được thực hiện ở ngay trong nước và tất nhiên các đối tượng bên trong và bên ngoài câu móc với nhau rất chặt chẽ.
Đơn cử như trang Quan Làm báo, chỉ trong vòng 4 tháng, tính từ cuối tháng 5 năm 2012, tổng cộng đã có gần 900 bài, trong đó gần 400 bài được soạn và đưa từ trong nước và hơn 150 bài lấy từ các trang mạng phản động khác đăng lại. Điều đáng lưu ý là những bài viết này xuất hiện vào thời điểm mà tình hình chung đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Số lượng, tần suất các bài viết và thời điểm đăng tải được cho là đã được tính toán và sắp đặt từ trước bởi các thế lực phản động, chống đối.
Theo VTV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.