Trở về trang đầu » » Thailand: Mời dân cùng chống tham nhũng

Thailand: Mời dân cùng chống tham nhũng

Dân Thailand hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ
cùng nhau xuống đường chống tham nhũng

Nạn tham nhũng ở Thái Lan được Tổ chức Tư vấn rủi ro chính trị - kinh tế (PERC) đánh giá đứng vào top đầu  châu Á. Trong năm 2012, tham nhũng có thể cướp mất của Chính phủ Thái Lan khoảng 252-294 tỷ bạt (tương đương 7,93-9,25 tỷ USD) từ tổng ngân sách đầu tư trong năm nay là 840,14 tỷ bạt. Bởi vậy, chống tham nhũng đang là cuộc chiến nóng bỏng được chính phủ của bà Thủ tướng Yingluck kêu gọi người dân hưởng ứng.

Nạn tham nhũng ở Thái Lan nghiêm trọng đến mức Uỷ ban Chống tham nhũng Thái Lan cũng tham nhũng. Cả 9 thành viên Uỷ ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan mới đây đã xin từ chức và mỗi người bị phạt hai năm tù treo sau khi toà án ra phán quyết họ, với vai trò chống tham nhũng, đã lạm dụng chức quyền và tự tăng lương tháng thêm 42.500-45.500 bạt mà không được Quốc hội thông qua. Hồi tháng 7, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Thiradet Meephian bị tuyên phạt 2 năm tù vì tội tham nhũng: tự nâng lương cho bản thân.

Ngày 1/10 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Yongyuth Wichaidit đã buộc phải từ chức vì một vụ bê bối liên quan tới cáo buộc nhận hối lộ để phê chuẩn trái phép vụ bán lô đất  thuộc sở hữu của Hoàng gia cho một doanh nghiệp xây sân golf. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng Vì nước Thái và là nghị sĩ của đảng này tại Quốc hội.

Ông Phongsak Assukul - Chủ tịch Vụ Thương mại thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết tham nhũng đang là gánh nặng cho doanh nghiệp và gánh nặng đó tăng lên mỗi năm. Giới doanh nghiệp ở Thái Lan phải tốn 30% trong tổng chi tiêu để “bôi trơn”, con số này tăng quá nhanh so với mức 5-10% cách đây 10 năm. Theo đó, chi phí bôi trơn chiếm khoảng 2,18 - 2,54% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan, tương đương 250-300 tỷ bạt (khoảng 180.000-210.000 tỷ đồng).

Nhiều cảnh sát Thái nhận tiền của những người vi phạm giao thông, người bán rong, quán bar trái quy định, lao động bất hợp pháp... Dần dần, người Thái xem đó là chuyện bình thường. Trung tâm ABAC của Trường Assumption University của Thái Lan thực hiện một cuộc khảo sát khá bất ngờ. 63,4% số người được hỏi cho là tham nhũng chẳng phải vấn đề lớn nếu như giới chức tham nhũng có làm lợi cho đất nước. Tuy nhiên, tiến sĩ Sungsidh Pirivaragsan, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cải tiến xã hội thuộc trường Đại học Rangsit, nhận định: “Chính suy nghĩ này làm cho tệ tham nhũng ở Thái Lan không bị đẩy lùi mà còn nghiêm trọng hơn”.

Từ những vụ hối lộ nhỏ đến những thỏa­ thuận mua bán trị giá hàng tỷ USD, tham nhũng đang trở thành vấn nạn, buộc Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải có thái độ không khoan dung. Để góp phần giảm bớt tình trạng tham nhũng, Chính phủ Thái Lan vừa phát động một chiến dịch phòng chống tham nhũng bằng việc mở 3 kênh thông tin để tăng cường sự hợp tác của người dân trong các hoạt động này. Kênh thông tin thứ nhất là đường dây nóng 1206, theo  đó, người dân có thể trực tiếp gửi thông tin hoặc phản ánh các vụ việc tham nhũng tới các cơ quan Chính phủ. Kênh thứ 2 là các hộp thông tin đặc biệt để nhận đơn tố cáo tham nhũng tại các địa điểm lớn như tòa nhà Chính phủ, nhà ga, bến xe, sân bay, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ thông tin. Kênh thứ 3 nhận thông tin tố cáo tham nhũng là trang web stopcorruption.go.th hoặc các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Tất cả các thông tin đi qua 3 kênh này đều được chuyển tới Thủ tướng trước tiên, sau đó mới được chuyển tới các đơn vị hữu quan xử lý. Chính phủ sẽ cho lắp đặt 181 máy báo tham nhũng trên 77 tỉnh, thành của cả nước. Máy sẽ quét thẻ chứng minh nhân dân (điện tử) của người dân để xác nhận danh tính rồi tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng. Chính phủ Thái Lan khuyến khích thành lập các tổ chức xã hội và doanh nghiệp giám sát tham nhũng. Kèm theo đó là các hình phạt nặng dành cho những ai vi phạm.

Chiến dịch phòng chống tham nhũng này được Chính phủ Thái Lan phát động nhằm bảo đảm sự minh bạch trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước, cải thiện hình ảnh của đất nước đối với quốc tế và khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư. Với việc tập trung vào sự minh bạch của khu vực hành chính công, Chính phủ Thái Lan hy vọng các cơ chế xã hội sẽ góp phần trừng phạt những người phạm tội tham nhũng.

Theo Thủ tướng Yingluck Shinawatra, chiến dịch này là nhằm tăng cường hiệu quả của công cuộc phòng chống tham nhũng đồng thời nâng cao khả năng giám sát của người dân. Đăng đàn kêu gọi người dân giúp đỡ, bà nói: “Chiến dịch chống tham nhũng của Chính phủ sẽ không thành công nếu không có sự giúp đỡ của người dân và khi tham nhũng hoành hành, không còn ai muốn đến với chúng ta và kinh tế Thái Lan sẽ thụt lùi”. Trong thời gian tới, Chính phủ Thái Lan sẽ sửa đổi các quy định nhằm tăng cường tính pháp lý liên quan tới phòng chống tham nhũng và lạm quyền.

Chỉ trong tháng thử nghiệm đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng này, đường dây nóng 1206 đã ghi nhận được 342 lời tố cáo tham nhũng của người dân. Chính phủ Thái Lan còn ký quyết định yêu cầu các cơ quan Nhà nước thành lập một bộ phận minh bạch về tài chính để chống tham nhũng tại các cơ quan công quyền. Theo Thủ tướng Yingluck Shinawatra, chiến dịch này là nhằm tăng cường hiệu quả của công cuộc phòng chống tham nhũng, đồng thời, nâng cao khả năng giám sát của người dân. Ngay sau khi Chính phủ Thái Lan công bố các biện pháp mới để bài trừ tham nhũng, chỉ số về hiệu quả chống tham nhũng đã được Công ty tư vấn rủi ro chính trị và kinh tế nâng từ 6,57 lên 7,55 điểm.

Thủ tướng Yingluck đặt mục tiêu đẩy lùi tệ nạn này trong nhiệm kỳ của bà. Tuy nhiên, dư luận Thái nhận định đây là mục tiêu quá sức đối với bà. Nhiều vụ bê bối liên quan đến các dự án, chương trình lớn của Chính phủ như trợ giá gạo, đền bù lũ lụt, trang bị máy laptop cho học sinh tiểu học... cho đến nay vẫn chưa được xét xử.          

theo Kiều Sơn / banduong
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us