Nông Dân Văn Giang Biểu Tình |
Từ ngày 04/04/2012 huyện Văn Giang đã vi phạm pháp luật khi đưa ra một số quyết định cưỡng chế đối với 166 hộ dân ở xã Xuân Quan để giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư . Quyết định cưỡng chế được ông Chu Quốc Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang kí sao gửi đến 166 hộ dân cùng một văn bản có nội dung giống nhau, thời gian cưỡng chế được ghi rõ trong văn bản là bắt đầu từ ngày 20/04/2012 cơ quan chức năng Huyện sẽ tiến hành giải tỏa nếu các hộ dân không chịu di dời .
Sự quyết định cưỡng chế được UBND huyện Văn Giang căn cứ theo Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ. Trong nghị định số 37/2005/NĐ-CP ghi rõ thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải là chủ tịch UBND đồng thời trong khoản 2 điều 6 của nghị định cho biết UBND huyện Văn Giang phải thông báo cấp trên nghĩa là phải gửi công văn cho UBND Tỉnh biết về quyết định cưỡng chế như thế nào nhưng điều nầy không hề xảy ra .
Ngày 05/04/2012 UBND huyện Văn Giang lại gửi đi một văn thư quyết định cưỡng chế khác cùng nội dung với văn thư ngày 04/04/2012 nhưng lần nầy văn thư được bà Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thuỷ kí nhưng UBND Huyện Văn Giang vẫn vi phạm khoản 2 điều 6 của nghị định số 37/2005/NĐ-CP là không chịu gửi văn bản báo cáo chi tiết cưỡng chế cho UBND Tỉnh .
Trong các quyết định gửi đến hộ gia đình có những hộ gặp phải quy định trái khoáy: Quyết định số 629/QĐ-CCK ngày 5-4-2012 gửi ông Lê Văn Tuệ, nhưng mọi chi phí liên quan đến việc cưỡng chế lại do ông Đàm Văn Lâm chi trả(?). Điều này cho thấy UBND huyện Văn Giang cương quyết cưỡng chế, không cần kiểm tra xem việc cưỡng chế có đúng đối tượng không, có phù hợp với pháp luật hay không?
Trong bài báo NCT của hai Phóng viên Phan Hương/Ngọc Phi có nội dung “Vì sao các hộ dân ở Văn Giang (Hưng Yên) khiếu nại kéo dài?”, Báo NCT số 38, ngày 30-3-2012 đã chỉ ra nhiều sai phạm của dự án. Bài báo nêu bật nội dung Thông báo số 168/TTCP-V4 ngày 26-1-2007 của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên phải “giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị…”. Ngày 12-4-2012, huyện Văn Giang tổ chức cuộc đối thoại của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan hành chính ở Hưng Yên với nhân dân Văn Giang. Những tưởng đây là dịp để các cơ quan có thẩm quyền ở Hưng Yên “giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân” như chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ thì bà Chủ tịch UBND huyện lại nói rõ “chỉ đối thoại với 166 hộ gia đình liên quan đến việc cưỡng chế 72 ha đất để bàn giao cho chủ đầu tư”, không chấp nhận đối thoại với những hộ không nằm trong khu vực cưỡng chế vào ngày 20-4-2012 sắp tới. Thực chất đã rõ, huyện Văn Giang không “đối thoại”, chỉ “cưỡng chế”!
Để ra quyết định cưỡng chế đúng luật, quá trình thực hiện bất cứ dự án nào cũng phải tuân theo các quy định của nhà nước: Họp dân phổ biến nội dung dự án, ra quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất, thảo luận với các hộ dân về phương án đền bù, tái định cư. Những dự án kinh doanh (như dự án Ecopark) thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ làm trọng tài để nhà đầu tư thoả thuận với dân. Nguyên tắc là khi giải phóng mặt bằng, người dân khi đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ… Nhìn vào dự án Ecopark những điều nói trên hoàn toàn vắng bóng. Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang không đúng luật, không hợp lí, không hợp tình, không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ phục vụ “lợi ích nhóm” nào đấy, trong đó có chủ đầu tư dự án.
Cuộc đòi hỏi công lý của Nông Dân Văn Giang kéo dài trong nhiều tháng qua trước UBND Huyện Văn Giang nhưng bị chính quyền làm ngơ, hôm nay hơn 200 Nông Dân đã kéo về Hà Nội với ước mong chính quyền Trung Ương sẽ giải quyết cho người dân có được ruộng cày .
Tố Uyên (Đảng Làm báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.