Nghị định 88 quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Các quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12 và thay thế nội dung Nghị định 67 được Phó thủ tướng Nguyễn Khánh ký ban hành hồi năm 1996.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói Nghị định 88 "được xây dựng nhằm khắc phục những điểm không còn phù hợp trong những quy định trước đây".
Những người làm việc cho các văn phòng báo chí nước ngoài ở Hà Nội nói với BBC Nghị định 88 có nhiều điểm mới.
Một trong những điểm đó là việc các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài nay có thể mở văn phòng thường trú tại các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương khác chứ không chỉ ở Hà Nội như quy định trước đây.
Thời hạn thẻ phóng viên nước ngoài cũng tăng gấp đôi, từ sáu tháng lên 12 tháng.
Các phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam nay cũng có thể liên hệ trực tiếp với các địa phương, bộ, ngành trong quá trình tác nghiệp thay vì luôn phải thông qua Bộ Ngoại giao theo quy định cũ.
Nghị định 88 cũng cho phép một phóng viên có thể làm đại diện thường trú cho hơn một cơ quan báo chí và phóng viên thường trú của một tổ chức báo chí ở nước khác cũng có thể kiêm nhiệm làm phóng viên thường trú ở Việt Nam.
Theo quy định mới, giấy phép lập văn phòng thường trú sẽ "mặc nhiên mất hiệu lực" nếu văn phòng không có phóng viên thường trú hoạt động ở Việt Nam trong "180 ngày liên tục".
Một trợ lý văn phòng báo chí nước ngoài cũng nói Nghị định 88 cũng cho phép các trợ lý quay phim, chụp ảnh cho các phóng viên thường trú, điều không có trong Nghị định 67.
Tin BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.