Trở về trang đầu » » Khi đã không chính danh thì chẳng có cái gì họ không dám làm

Khi đã không chính danh thì chẳng có cái gì họ không dám làm

Phá gông cùm (ảnh Vàng Anh info)
Sau khi 157 trí thức nhân sĩ ký tên vào lá thư khẩn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu trả tự do cho cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên được gửi đi vào ngày 1 tháng 11, thì ngày 3 tháng 11 công an TP.HCM và công an tỉnh Long An tổ chức họp báo công bố thông tin khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phương Uyên cùng với một thanh niên khác, là Đinh Nguyên Kha, vì “có dấu hiệu của tội Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.


Hành vi của cả hai, theo công an là có liên hệ với một tổ chức “phản động” là Tuổi trẻ yêu nước, qua một nhân vật có tên Nguyễn Thiện Thành, từ đó cùng bàn bạc để thả truyền đơn ở cầu vượt An Sương, Sài Gòn. Cũng theo công an, tang vật gồm có nhiều truyền đơn, cờ vàng ba sọc đỏ. “Nội dung của những truyền đơn này được cho là đã “xuyên tạc, bịa đặt chính sách tôn giáo, chính sách đất đai của Nhà nước cũng như quan điểm lệch lạc về Trường Sa-Hoàng SA và biên giới đất liền giữa Việt Nam với Trung quốc, kêu gọi người dân đứng lên biểu tình chống lại đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam…”

Ngoài ra, Kha còn bị công an Long An điều tra về hành vi khủng bố vì thanh niên 24 tuổi này còn bị cho là đã “được Thành giao nhiệm vụ mua 2,45 kg hóa chất để tạo thuốc nổ cài vào tượng đài Hồ Chí Minh ở Cần Thơ”. (“Nữ sinh bị điều tra tội chống nhà nước”, báo VNExpress).

Sau buổi họp báo, hàng chục bài báo đồng loạt đưa tin giống nhau về sự việc do được mớm tin từ cùng một nguồn là công an, và có những bài báo chưa gì đã giật những cái tít nặng nề, kết án những người bị bắt khi chưa đưa ra tòa xét xử. Không có một nhà báo nào được phép gặp gỡ cô bé sinh viên và người bạn kia, gặp gỡ người thân, bạn bè của cả hai để đưa tin theo một chiều hướng khác. Trước đó, dù Nguyễn Phương Uyên bị bắt giữ một cách âm thầm, nói thẳng ra là bắt cóc giữa ban ngày ban mặt từ ngày 14 tháng 10, báo chí bên ngoài, các trang blog đưa tin liên tục nhưng toàn bộ 700 tờ báo chính thống không hề nhúc nhích, bởi chưa được phép mở mồm. Làm báo dưới chế độ cộng sản ưu việt là khốn khổ khốn nạn như thế đấy.

Khi vụ việc bị tung lên mạng, báo chí bên ngoài lên tiếng um sùm, thấy không thể giấu kín được nữa, lúc bấy giờ công an mới thừa nhận đã bắt Nguyễn Phương Uyên.

Và nếu các em sinh viên lớp 10 CDTP1 trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM không cùng nhau viết bức thư chung ngày 20 tháng 10 cầu cứu khẩn cấp lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc bạn của mình 'mất tích', tiếp theo, hàng loạt nhân sĩ trí thức hàng đầu VN lại gửi kiến nghị lên Chủ tịch nước yêu cầu trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên, như một hành động “nhằm hậu thuẫn cho đề nghị chính đáng của sinh viên", thì có lẽ sẽ chưa có cuộc họp báo vội vàng của công an cùng với những lời buộc tội nặng nề, quy kết thành tội khủng bố như đã thấy. Kể cả màn nhận tội của Nguyễn Phương Uyên.

Cái trò này, ai cũng biết, là một màn dàn dựng quen thuộc của giới công an và nhà cầm quyền VN trong những vụ án có yếu tố chính trị.

Tất cả những người bị bắt những năm gần đây hầu hết đều xuất phát từ sự quan tâm đến vận mệnh đất nước, đến mối quan hệ bất tương xứng và có hại về nhiều mặt giữa hai đảng-hai nhà nước VN-TQ. Người thì viết blog, làm nhạc, làm thơ, người đi biểu tình, người tọa kháng tại nhà…nhưng đều có chung hai điểm: bức xúc, phản đối âm mưu bành trướng và chính sách hung hăng gây hấn của TQ đối với VN cũng như sự khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho xã hội VN.

Đảng và nhà nước cộng sản VN thừa hiểu rằng tử huyệt của họ chính là mối quan hệ bất tương xứng này, là thái độ, chính sách của họ trước một nước láng giềng đã và đang gây ra quá nhiều thiệt hại cho VN và đang tiến dài trong quá trình lệ thuộc hóa VN.

Đảng và nhà nước cộng sản VN thừa hiểu rằng người dân VN vốn bao dung, giỏi chịu đựng, đã và đang chịu đựng tất cả những chính sách sai lầm tệ hại về đối nội, đối ngoại, kinh tế, giáo dục,văn hóa, xã hội của họ khiến cho VN thụt lùi hàng chục hàng trăm năm so với các nước khác và đời sống người VN quá thiệt thòi, khổ sở. Nhưng người dân VN sẽ không bao giờ tha thứ cho tội bán nước. Bị kết án “một nhà cầm quyền bán nước’ cũng có nghĩa là ngày tàn của họ.

Chính vì thế, mặc dù mọi vụ án có liên quan đến yếu tố chính trị đều dính dáng đến tâm trạng của người bị bắt đối với Bắc Kinh, đến sự kiện Trường Sa Hoàng Sa, bao nhiêu kilomet đường biên giới phía Bắc, Ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc.. bị mất vào tay TQ, đến cách hành xử lấn lướt hung hăng của TQ trên biển Đông…nhưng nhà cầm quyển luôn luôn tìm cách lơ yếu tố TQ đi. Và lái sang các tội danh “tuyên truyền chống phá” hoặc “có âm mưu lật đổ” nhà nước VN.

Hơn 6 thập niên cầm quyền, trong đó có 37 năm độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước, đảng cộng sản VN đã quá dạn dày kinh nghiệm trong việc đàn áp, dập tắt mọi mầm mống phản kháng từ trong trứng nước.

Vốn dĩ giành được chính quyền bằng con đường không chính danh, không hề qua bất cứ cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý nào, rồi lại giữ được chính quyền cũng chỉ bằng con đường công an trị, bạo lực, ngu dân và sợ hãi, trong thâm tâm, nhà cầm quyền VN luôn luôn lo sợ cái ngày nhân dân bừng tỉnh giấc, nổi dậy và lật đổ họ. Đó là nỗi sợ lớn nhất của họ. Lớn hơn mọi nỗi lo mất biển, đảo, mất nước vào tay TQ, hay nỗi lo đất nước bị tụt hậu, nhân dân khổ sở đói nghèo hay kinh tế bị sụp đổ. Họ phải giữ được chế độ. Bằng mọi giá.

Đã có trong tay cả quân đội, công an, cả bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới, cả bộ máy tư pháp, truyền thông báo chí…nhưng họ vẫn sẵn sàng sử dụng mọi trò bẩn mà không ai có thễ ngờ nổi, để giữ cho được sự tồn tại của chế độ.

Những trò bẩn đó thì thiên biến vạn hóa, từ việc hù dọa xách nhiễu, cắt đường mưu sinh…tất cả những ai cất tiếng nói phản đối họ, và nếu người đó bị bắt, thì công an sẽ tìm đủ cách ép cung, tạo chứng cứ giả, quy kết, chụp mũ…cộng với bôi nhọ trước dư luận, và cuối cùng là những bản án bất chấp pháp luật, bất chấp lý lẽ, phản ứng của người dân và thế giới.

Nếu vụ án nào ít người quan tâm thì còn đỡ, còn nếu càng nhiều người quan tâm, hay thế giới cũng lên tiếng, ví dụ như vụ của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Công Định và nhóm bạn, vụ 3 blogger của CLB Nhà báo tự do, hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình hay mới nhất, là vụ của cô bé sinh viên Nguyễn Phương Uyên thì họ sẽ càng tìm cách chống đỡ với dư luận. Bằng cách bôi nhọ người bị bắt, gắn những tội danh nặng nề từ chống phá chế độ, âm mưu lật đổ cho đến…tội khủng bố.

Nếu chúng ta nhìn lại hành trình cướp chính quyền của đảng cộng sản VN trước đây, khi VN còn là hai nước bị chia cắt với hai thể chế chính trị khác nhau, chúng ta dễ dàng nhớ lại cách thức hồi đó đảng cộng sản đã sử dụng để gây nhiễu dư luận, lũng đoạn thông tin (đặc biệt là với dư luận báo chí truyền thông quốc tế) kết hợp với phá hoại chế độ miền Nam Cộng hòa bẳng đủ mọi cách.

Khi chưa giành được chính quyền thì đảng cộng sản tìm mọi cách để “tô hồng”, tạo tính chính danh cho đảng bằng cách gán cho chế độ miền Nam là bán nước, Mỹ là xâm lược cướp nước nên đảng cộng sản phải lãnh đạo nhân dân phát động chuốc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cũng từ đó, mọi huyền thoại về những con người anh hùng do đảng tô vẽ lên đã ra đời, từ Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Kim Đồng…thời chống Pháp cho tới Nguyễn Văn Trỗi, Quách Thị Trang, Võ Thị Lớn, Nguyễn Văn Bé…trong đó, có bao nhiêu phẩn trăm là sự thật, bao nhiêu phần trăm là dối trá, bịa đặt?

Và nếu nhìn lại hành động của đảng cộng sản hồi đó, đặc biệt "các lực lượng đặc công và du kích ở các căn cứ vùng ngoại ô, phối hợp với các đơn vị biệt động thành hoạt động bí mật trong thành phố, hoặc các tổ chức ngoại vi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP)" thì không phải họ mới xứng đáng được gọi là tổ chức khủng bố hơn ai hết hay sao? (Xem "Danh sách những vụ tấn công của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam", Wikipedia tiếng Việt). Có bao nhiêu vu tấn công đã rơi trúng vào những “chung cư sĩ quan và mục tiêu dân sự như nhà hát, khách sạn, cầu cống, đường xe lửa, trường học, sân vận động...” làm chết bao nhiêu người dân vô tội?

Nếu thời điểm bây giờ, thế kỷ XXI mà còn có đảng chính trị nào có những cuộc tấn công kiểu như vậy thì chắc chắn thế giới sẽ gọi đó là tổ chức khủng bố. “Vậy mà cho đến bây giờ, một số vụ tấn công vẫn được nhà nước CHXHCN Việt Nam ca ngợi như những huyền thoại của cuộc chiến.” (theo Wikipedia, tư liệu đã dẫn). Mới đây, những kẻ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, người chuẩn bị nắm chức Thủ tướng Sài Gòn vào ngày 10 tháng 11 năm 1971 còn lên báo kể lại thành tích này! ("Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn", báo Dân Việt).

Vậy mà bây giờ họ lại gán tội danh khủng bố cho người khác.

Có hai điều đảng cộng sản, vốn rất sở trường trong việc sử dụng những biện pháp ngược lại thời chưa giành được chính quyền trên cả nước, hiểu rất rõ: là bôi nhọ những người bị bắt vì những vụ án có liên quan đến yếu tố chính trị, và gán cho những tội danh nặng nề.

Nội dung bôi nhọ thì vô cùng phong phú, thường là bôi nhọ đời tư, kiểu như hai cái bao cao su đã qua sử dụng trong vụ án Cù Huy Hà Vũ hay tội trốn thuế, từng đánh vợ cũ gây chấn thương sọ não trong trường hợp Điếu Cày…Bôi nhọ hành vi lý tưởng của người bị bắt, không còn là những người yêu nước, những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ mà là những kẻ bị lôi kéo, lợi dụng bởi những tổ chức phản động ở nước ngoài, làm việc này việc kia vì tiền, có âm mưu bạo động lật đổ nhà nước, cuối cùng là những kẻ khủng bố.

Bằng vào sự bôi nhọ, và gán cho những tội danh khiến ai cũng sợ như “khủng bố”, nhà cầm quyền hy vọng sẽ khiến cho người dân nói chung và họ hàng, người thân, bạn bè của những người bị bắt tránh xa họ, hiểu lầm về nhân cách của họ.

Cái trò này đã từng rất hiệu quả vào cái thời mà người dân VN còn chưa biết đến internet, thông tin từ thế giới bên ngoài, nhất là khi sự thật về “cuộc sống nghìn lần tốt đẹp hơn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng ta” còn chưa bị tan rã ra thành từng mảng bong bóng xà phòng.

Thực tế cuộc sống xã hội tồi tệ về mọi mặt dưới sự lãnh đạo của nhà cầm quyền mới là yếu tố chính làm lòng dân bất mãn, và khi bất mãn, thì người ta không còn muốn nghe, muốn tin vào nhà cầm quyền nữa. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của internet và thông tin từ bên ngoài.

Bôi nhọ cô bé sinh viên Nguyễn Phương Uyên và người bạn, chụp lên đầu cả hai tội có âm mưu lật đổ nhà nước, tội khủng bố, với bằng chứng là hình ảnh cả hai cúi đẩu nhận tội, giới công an và nhà cần quyền VN hẳn cho rằng cú đánh thế là trúng đích, vừa lái dư luận từ sự kiện một nữ sinh bị bắt vì có tinh thần phản đối TQ thành kẻ phạm tội, vừa một lúc chết ba con chim nhạn: Một là hai đứa nhỏ tuổi hai mươi mặt mũi phờ phạc sợ hãi sau những ngày bị giam cầm, hành hạ, ép cung…Hai là tất cả đám sinh viên, những người trẻ tuổi nào còn có ý định biểu tình, phản đối TQ hay phản đối nhà cầm quyền. Và cuối cùng là tất cả nhân sĩ trí thức hàng đầu đã đứng vể phía cô bé, hòng làm mất uy tín họ.

Lác đác trên mạng đã có những lời tanh tưởi khoái trá, bôi nhọ các trí thức về vụ này, cho là bị hố, “bị nhét cứt gà sáp vào mồm”.

Nhưng họ có nhận ra những tín hiệu khác không?

Hãy lướt qua các trang blog, trang mạng xã hội, đọc những lời bình luận của mọi người về sự việc, thậm chí đi làm những cuộc phỏng vấn bỏ túi người dân xem có bao nhiêu người còn tin vào những chứng cứ, luận điểm do công an đưa ra trong những vụ án kiểu như thế này hay không? Một lần bất tín vạn lần bất tin. Những lời nói hùng hồn của viên Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Bộ Công an tại một cuộc họp báo kết tội Cù Huy Hà Vũ"có đời sống dâm ô trụy lạc" vẫn còn đó để rồi sau khi ra tòa chính quan tòa cũng phải lờ tịt chuyện hai cái bao cao su vì nó quá bẩn thỉu rác rưởi. Hay cả một đài truyền hình quốc gia VTV mới hôm nào còn to mồm tuyên bố những người đi biểu tình là có nhận tiền của các tổ chức nước ngoài kia

Dân vẫn còn nhớ cả đấy.

Hãy nhìn phản ứng của các em học sinh bạn bè của Phương Uyên, giữa lúc bị vây bủa, chịu đủ sức ép từ phía công an và nhà trường, vẫn nghĩ tốt về bạn mình, cha mẹ Phương Uyên vẫn nghĩ tốt về con mình, còn cha của Nguyễn Thiện Thành thì đã lên tiếng phản bác trên BBC về việc con ông đã lôi kéo, và kết nối Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đồng thời trợ giúp tiền cho cả hai mua vũ khí(“Con tôi không móc nối Phương Uyên”,BBC).

Người dân đã bớt sợ hãi, đã dám lên tiếng và nếu so sánh, đối chiếu mọi luồng tin từ nhiều phía, người ta sẽ hiểu sự thật nằm ở đâu.

Vậy ai sẽ mất uy tín? Các trí thức nhân sĩ hay một lần nữa, công an và nhà cầm quyền phải mất mặt trước thế giới?

Chẳng có cái gì là bền vững mãi đâu, huống hồ là một chế độ độc tài có quá nhiều sai lầm và gây ra quá nhiều tội ác với dân tộc, đất nước như đảng cộng sản VN.

Chỉ muốn nhắn rằng tất cả những ai đang rất tin tưởng vào sự bền vững muôn năm của chế độ dẫn tới những hành động bất chấp luật pháp, lương tri, lương tâm con người hãy nghĩ cho kỹ. Từ những “nhà báo” viết bài theo thông tin được mớm sẵn từ công an nhưng lại quá hăm hở phụ họa kết tội người khác, những tay công an quá nhiệt tình với phương châm “còn đảng còn mình” đã sử dụng mọi biện pháp để khủng bố tinh thẩn người bị bắt, ép cung, tạo chứng cứ giả, những kẻ vô lương tâm buông lời tanh tưởi khích bác những người đứng về phía tiến bộ, những chánh án làm theo những bản án bỏ túi được gợi ý từ công an, và cuối cùng là toàn bộ những người đang nắm quyền lãnh đạo đảng và nhà nước này, hãy nghĩ cho kỹ và dừng tay lại.

Bởi vì rồi sẽ có ngày họ không có chỗ đứng trong một nước VN tự do dân chủ mới, sẽ có ngày người dân lùng tìm họ để bắt trả giá về tất cả những gì họ đã làm.

Song Chi

Theo Song Chi, Blog RFA
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us