Nền báo chí Việt Nam đang ở vào một giai đoạn vô cùng đặc biệt và thú vị mà sau nầy lịch sử sẽ ghi lại như một dấu ấn lớn. Đó là nền báo chí được hình thành nên bởi những tờ báo lề đảng uy tín như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp Thị, Pháp Luật TPHCM...và những tờ báo lề dân tiên phong như Tiền Vệ, Talawas, Osin, Basam, Bauxit, Dân Làm Báo...
Hai lề báo tồn tại song song với nhau, quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó chặt với nhau, nhưng lại ít có dịp công khai giao lưu "sòng phẳng" với nhau.
Hôm nay nhà báo Ngô Minh Trí, phó trưởng ban quốc tế báo Thanh Niên và Biên tập viên trang Ba Sàm đã thẳng thắn trao đổi với nhau về đề tài "Sòng Phẳng" và một số vấn đề khác. Đây là cuộc trao đổi thú vị.
Theo Huỳnh Ngọc Chênh
HÃY SÒNG PHẲNG
Một lần nữa, tôi lại phá vỡ nguyên tắc của mình khi phản hồi về những thị phi trên thế giới mạng. Có thể, sẽ hứng chịu một trận “ném đá” tơi tả, nhưng đôi khi chẳng thể không lên tiếng.
Sáng nay, một trang điểm báo * có đưa ra nhận xét như sau: “Tin đã điểm sáng qua: Dân Trung Quốc phản ứng “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu (TN). * Một độc giả liên lạc cho biết, đoạn bình luận của người dân TQ “Dù sửa thế nào cũng không thể sửa được diện mạo vốn có của tấm hộ chiếu [rác rưởi] này, giờ chỉ tổ mang lại phiền phức cho người dân…”. Thế nhưng khi dịch ra, dường như bá0 Thanh niên đã cố tình bỏ đi 2 chữ “rác rưởi”. Nguyên văn tiếng Trung: 再怎么改也改变不了垃圾护照的本来面目. Tới mức này mà cũng còn phải “tự kiểm duyệt” theo kiểu kỳ quái như vậy, mới thấy rõ nỗi sợ hãi đã lên đến đâu rồi!”.
Khi biên tập bài viết trên, tôi từng phân vân việc để nguyên hay bỏ chữ “rác rưởi”. Sự phân vân “tự kiểm duyệt” không phải vì một “nỗi sợ hãi đã lên đến đâu rồi!”. Sự phân vân bắt nguồn từ việc liệu có cần thiết hay không phải để những từ ngữ mang tính quá khích lên mặt báo. Tôi vẫn nhớ, khi tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bùng phát, người TQ có nhiều hành động quá khích. Ngược lại, người Nhật hành động chừng mực hơn vì họ bảo rằng họ có phẩm giá của họ.
Đánh giá điều gì cũng cần toàn cục và sòng phẳng với nhau. Liên quan đến tấm hộ chiếu “đường lưỡi bò”, có một blogger khá nổi tiếng bình rằng sao các “báo lề phải” không “ẳng” lên. Hình như, blogger này là một chức sắc tôn giáo gì đấy. Nếu thế, cách dùng câu từ như thế thì có xứng với cái được gọi là “phẩm giá” của người đó không. Chưa gì hết, vội vã chụp mũ rằng: “tự kiểm duyệt” theo kiểu kỳ quái như vậy, mới thấy rõ nỗi sợ hãi đã lên đến đâu rồi!” có là cách truyền thông khách quan, đa chiều hay không?. Không có đám “báo lề phải” chịu “ẳng” thì các vị có nhiều thông tin thế không.
Suốt nhiều tháng qua, tôi và không ít đồng nghiệp của mình phải nhọc công theo dõi từng diễn biến trên biển Đông. Chúng tôi từng sử dụng những câu chữ mạnh mẽ nhất, như xâm phạm, bành trướng, mưu đồ…, để phản đối những hành động phi pháp của TQ. Chúng tôi phải liên lạc lấy ý kiến của những chuyên gia quốc tế để tăng thêm tiếng nói chính nghĩa cho người dân VN. Khi phát hiện truyền thông TQ đưa tin sai lệch, cắt tỉa ý kiến giới chuyên gia, chúng tôi đã nhanh chóng làm rõ: Trò “phù phép” của Hoàn Cầu thời báo.
Thế thì đâu là sự sợ hãi!
Cách quy chụp vội vã trên chỉ khiến những người đang nỗ lực vì lợi ích quốc gia lại phải trải qua cảm giác “bị đâm” bởi chính những người cùng đứng chung trên một đất nước. Điều đó chỉ tạo ra sự phân hóa sâu rộng hơn mà không giúp ích điều gì. Hãy sòng phẳng với nhau hơn, mọi góp ý hãy thực sự mang tính xây dựng!
Ngô Minh Trí
Ngày 29.11.2012
Ý kiến nhỏ của HNC: Ở đây, anh Ngô Minh Trí có chút nhầm lẫn nhỏ khi viết:Liên quan đến tấm hộ chiếu “đường lưỡi bò”, có một blogger khá nổi tiếng bình rằng sao các “báo lề phải” không “ẳng” lên. Hình như, blogger này là một chức sắc tôn giáo gì đấy.
Anh Trí đã nhầm "Blogger nổi tiếng" lập ra trang Ba Sàm là anh Nguyễn Hữu Vinh với anh JB Nguyễn Hữu Vinh là "một chức sắc tôn giáo" cũng là một blogger nổi tiếng. Như vậy có đến hai Nguyễn Hữu Vinh. Và thật ra, trong vài tháng trở lại đây, chủ trang Ba Sàm đã giao công việc phụ trách lại cho Biên Tập Viên.
Bài trả lời của Ba Sàm
Đôi lời: Bài viết dưới đây là lời trần tình về lý do biên tập viên báo Thanh niên đã bỏ bớt hai chữ “rác rưởi” khi đăng lại lời bình của một thành viên mạng Trung Quốc quanh tấm “hộ chiếu lưỡi bò” và lời nhận xét về bình luận của trang Ba Sàm trước việc cắt xén đó.Tuy chỉ là một bài viết nhỏ, về một lời bình ngắn, nhưng xét thấy cần đăng lại và có những trao đổi, vì liên quan tới chuyện lớn-Biển Đông, và vấn đề không nhỏ-cách làm báo, mối quan hệ với giới blogger tự do.1- Trước hết, tạm coi đây là lời giải thích lý do của người tự nhận là có trách nhiệm duy nhất với việc cắt xén đó. Cùng với bài viết này, Nhà báo Ngô Minh Trí, với chức danh “Vice chief of World News Desk”, qua hộp thư cá nhân, cũng đã gửi email cho chúng tôi biết. Trân trọng trước những trao đổi này và thử tạm tin vào lý do của việc cắt xén đó, tức là không có gì gọi là “nỗi sợ hãi” cả, mà chỉ là quan điểm biên tập thôi.Tuy nhiên, khi đã tin vào lý do đó thì lại phải đặt dấu hỏi lớn trước hết vào nghiệp vụ báo chí khi người biên tập coi một tư liệu quan trọng để chứng minh một hiện tượng lại không khác gì một bài báo được gửi tới để đăng. Một bài báo “thô” thì có thể biên tập, sửa chữa cho hay, hoặc bớt … “phiền toái” cho tờ báo. Thế nhưng một tư liệu thì không thể tùy tiện cắt xén, nhất là phần cắt xén lại quá ư quan trọng.Câu hỏi thứ hai là về sự tinh nhạy của một nhà báo. Lời bình luận của thành viên mạng TQ về tấm “hộ chiếu lưỡi bò” là rất có ý nghĩa, cho chúng ta thấy phần nào dư luận nhân dân nước này, đâu phải vào hùa cả với chính quyền làm điều sai quấy, mà khắp thế giới đã chỉ trích và lo ngại. Tiếc rằng, bằng nhận thức quá non nớt (?), người biên tập đã bỏ đi hai chữ rất đắt. Bởi nếu thiếu nó, chúng ta chỉ có thể thấy sự khó chịu của người bình luận-dân TQ về nỗi phiền hà khi mang tấm hộ chiếu vào VN thôi. Còn khi chúng ta biết đã có người dân TQ coi tấm hộ chiếu có in bản đồ nước mình, thể hiện cả chủ quyền biển lại như một thứ “rác rưởi” thì quả là hiếm có chưa từng thấy trên thế giới. Hai chữ ấy đã mang nhiều hàm ý, trong đó không thể không có sự coi thường, thậm chí phản bác, với thứ được coi là “chủ quyền” trên biển của nước họ.Thật tự hào người dân VN ta không thấy ai lại có thái độ với chủ quyền biển đảo nước mình như vậy. Cũng thật vui nếu như báo Thanh niên không những cho độc giả thấy nội dung trọng vẹn đó, mà thậm chí còn có thêm lời phân tích mổ xẻ hai chữ “rác rưởi”.Nhưng đáng tiếc khi việc phát hiện và cho dịch đăng những bình luận của cư dân mạng TQ là một sáng kiến, đóng góp rất có ý nghĩa của báo Thanh niên, thế nhưng, người biên tập lại đã làm giảm bớt cái ý nghĩa và tác dụng đó.2- Nhà báo Ngô Minh Trí tự đánh giá lời bình của thành viên mạng TQ là quá khích, rồi so sánh nó với cái quá khích khi người TQ phản đối Nhật quanh vụ Senkaku/Điếu Ngư. So sánh này là hết sức khập khiễng, thậm chí ngược đời. Một đằng, cư dân mạng TQ nổi giận, có thái độ phản đối chính quyền nước họ liên quan tới một hành động “nhận vơ” chủ quyền biển đảo, còn một đằng là nổi giận với người nước khác tranh chấp với họ biển đảo. Cách chống chế của tác giả bài viết là không thuyết phục chút nào, lại còn thể hiện cái kém trong nhận thức, tư duy.3- Với tựa đề kêu gọi sự “sòng phẳng” trong đánh giá công việc làm báo, thiết tưởng tác giả bài viết cũng cần sòng phẳng để vừa nhìn “xuống” người dân, cư dân mạng, nhưng cũng vừa nên nhìn sang “bên” làng báo của mình và nhìn “lên” các cơ quan nhà nước, quản lý báo chí. Bởi vì trong bài đã phê phán thái độ được cho là nóng nảy của blogger, cư dân mạng khi đánh giá về báo chí nhà nước đã không thấy công lao họ cung cấp thông tin cho độc giả tới đâu; một cách nói như ban ơn, mà dường như quên rằng các nhà báo đang ăn lương từ tiền của dân, để làm bổn phận như công bộc.Câu hỏi tức thì với Nhà báo Ngô Minh Trí là trên báo nhà nước có hay không, được bao nhiêu những lời phê phán, những tiết lộ về sự quản lý hà khắc, thậm chí trái pháp luật nhà nước, đi ngược đường lối được ghi trong rất nhiều nghị quyết của đảng? Lối gọi là “quản lý” đó đã tới độ mà mới cách đây ba hôm thôi, vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải lên tiếng ta thán, tìm cách trấn an báo giới và người dân (mà chính báo Thanh niên cũng đã trích dẫn). Trong khi đó thì tác giả bài viết này chỉ có phê phán một chiều “xuống”, không cần biết rằng thái độ nóng nảy đó, dẫu có thì một phần cũng xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là một nền báo chí quá yếu kém, bị kiểm duyệt đủ kiểu. Cũng không nhận ra rằng thái độ nóng nảy đó nhiều khi, và cũng có chủ đích, là giúp cho báo giới, những nhà báo tâm huyết, dũng cảm có được chỗ dựa nhất định để mà gắng làm được chút gì đó được gọi là “làm báo”. Bao nhiêu bài viết trên báo nhà nước phê phán nặng nề cư dân mạng, mà không hề cho một lời trao đổi lại, cũng không có một bài viết, một nhà báo của nhà nước nào lên tiếng công khai góp ý, tranh luận lại với đồng nghiệp. Như thế thì có phải là “sòng phẳng” không?Trong khi đó, chúng tôi đã đăng lại không biết bao nhiêu bài viết đó, kể cả bài trên báo của ngành công an chỉ trích đích danh blog Ba Sàm. Hầu hết trên các bài đăng lại, chúng tôi không có lời bình, mà để độc giả tự nhận xét qua hàng trăm phản hồi trên mỗi bài, cũng không kiểm duyệt những nhận xét đó. Kết quả ra sao, có sòng phẳng hay không thì mấy năm qua đã được phơi bày hết cả, chắc Nhà báo Ngô Minh Trí cũng đã biết.Chúng tôi, với ước nguyện mạnh mẽ muốn góp phần nhỏ nhoi đưa nền báo chí nước nhà tiến theo kịp thế giới, trong nhiều năm qua đã lặng lẽ, bền bỉ quảng bá hết sức, góp ý chân thành, khen chê thẳng thắn cho làng báo, ngay cả với những nhầm lẫn oan, những o ép phi lý với họ. Một trong những nhà báo, tờ báo mà chúng tôi góp phần đưa tin tức, bình luận để bảo vệ là Nhà báo Nguyễn Việt Chiến và báo Thanh niên, ít nhất qua một bài dịch đăng cách đây gần 4 năm.Phải nêu lên cả một quá trình, tất cả quan điểm của mình ở đây cũng vì bài viết của Nhà báo Ngô Minh Trí không chỉ tranh luận đúng/ sai về một lời bình của chúng tôi.Cuối cùng, với những phân tích trên đây, với thực trạng quản lý báo chí hiện nay, với thái độ của chính quyền và cơ quan quản lý báo chí trước vấn đề chủ quyền biển đảo liên quan tới TQ, chúng tôi lại phải trở về với lời đánh giá của mình về “nỗi sợ hãi”, mà không thể tin với một tờ báo lớn mạnh hàng bậc nhất VN, với nhiều nhà báo gạo cội như tờ Thanh niên, lại có thể non nớt đến vậy.Xin cám ơn Nhà báo Ngô Minh Trí đã trao đổi và cho chúng tôi một cơ hội bàn luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.