Trở về trang đầu » » 17/2/1979 : Trung Quốc Tấn Công Lào Cai

17/2/1979 : Trung Quốc Tấn Công Lào Cai

Ghi chú: Chúng tôi xin phổ biến 2 bài viết kể chuyện có tính lịch sử về sự xâm lăng của Trung Quốc vào Lài Cai ngày 17/2/1979 . Bài viết 1 đã được đưa lên Blog Nguyễn Xuân Diện dưới dạng Comment ngày 17/02/2011. Năm 2011 người viết bài này cũng đã tham gia nhiều lần các cuộc biểu tình của nhân dân Thủ đô chống lại sự gây hấn của giặc Tàu giả danh cộng sản trên vùng biển của Việt Nam trong mùa hè và đầu thu năm qua tại vườn hoa Canh nông và Bờ hồ. Nay xin viết và biên tập lại sau khi đã thực hiện một số cuộc trò chuyện cùng những Chiến sỹ của Tiểu đoàn Kiên cường và một số nhân chứng còn sống năm xưa tại Lao Cai. Bài viết 2 là của tác giả Thụy Giang được đăng lại trên nhiều nguồn Internet .

Sáng 17 tháng 2 năm 1979 (thứ bẩy ngày 21 tháng giêng âm lịch năm Kỷ mùi) chúng tôi vẫn tới cơ quan làm việc bình thường, nhưng từ mờ sáng đã nghe tiếng ì ầm. Người dân thị xã chúng tôi đã quen cuộc sống thanh bình từ hàng chục năm nay nên không phân biệt được đây là tiếng pháo của Trung Quốc bắn vào các vùng phụ cận của thị xã. Tỉnh Lao Cai được giải phóng sau Chiến dịch biên giới 1950. Suốt thời chiến tranh chỉ có một lần một tốp phản lực Mỹ bay qua bắn mấy băng đạn. Đến 10 h sáng mới được tin quân Tàu đã đánh ta tại Lao Cai. Chúng bắc cầu phao vượt sông Hồng qua phía tây bắc (Quang Kim-Bát Xát) đánh về thị xã, ở phía đông bắc (đường đi Hà nội) quân chúng cũng đánh sang Bản Quẩn, Bản Phiệt rồi chia hai ngả đánh về thị xã và đánh xuôi về Phố Lu. Ngoài ra bọn giặc Tàu còn đánh sang Bát Xát từ đó vòng xuống tàn phá thị trấn nghỉ mát Sa Pa, tràn xuống Bến Đền và một hướng khác nữa từ Mường khương đánh xuống hợp quân với lũ đánh vào thị xã rồi xuôi về Phố Lu.

Trên toàn tuyến biên giới Lao Cai (185,7 km) chúng đã huy động hơn 15 vạn quân thuộc các quân đoàn 13, 14 và một số đơn vị tăng cường (do tên tướng cướp Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh chỉ huy) đồng loạt đánh vào đất của ta. Thế là người dân và viên chức của nhà nước bị xô vào một cuộc chạy giặc không được chuẩn bị trước. Cả giòng người chen nhau hơn chục cây số trên con đường từ Cầu Số Bốn vào đến Giốc Đỏ để vào thị xã Cam Đường (ngày xưa Lao Cai có hai thị xã: Cam Đường-Mỏ Apatit và Lao Cai-thủ phủ). Hàng vạn con người ra sức chạy trên con đường trống trơn ở một địa hình đồi thấp chốc chốc lại nghe tiếng rít của đạn pháo, đạn cối, tiếng hỏa tiễn H12 chíu chíu, rồi một loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc khói lửa bốc lên mù mịt, người dân lúc đó sợ quá chỉ còn biết ôm đầu, nằm lăn ra rãnh nước bên vệ đường, úp mặt xuống đất. Thôi thì người ta dùng đủ mọi thứ có sẵn để chạy nhanh khỏi vùng chiến sự, trẻ em được gánh trên quang hoặc địu sau lưng mẹ. Mạnh ai người đó chạy vì được phổ biến chỉ đi có vài ngày và cũng không được chuẩn bị trước nên có người chỉ ra đi với một ít tiền bạc và vài bộ quần áo cùng chiếc xe đạp là tài sản quý giá nhất lúc bấy giờ. Chắng ai biết được nhà cửa, đồ đạc của họ để lại sau này sẽ chẳng còn. Thế là gần như toàn bộ dân chúng tôi ra đi với hai bàn tay trắng.

Tuy nhiên thanh niên, dân quân tự vệ và bộ đội đặc biệt là bộ đội biên phòng (lúc đó gọi là Công an võ trang) đã dũng cảm chặn đánh địch làm chậm bước tiến của kẻ thù. Tại Lao Cai xuất hiện nhiều tấm gương như anh hùng liệt sỹ Nguyễn Bá Lại (1) ở Đoàn địa chất 5, anh Bùi Nguyên Khiết (2) hy sinh trong khi làm báo và chiến đấu với quân giặc tại huyện Mường Khương. Anh Hòa cựu chiến binh chống Mỹ về nhà chưa có việc làm đã vào một đơn vị bộ đội (thuộc Tiểu đoàn Kiên Cường) tham gia đánh giặc và bắn cháy xe tăng địch (được phong anh hùng), khi mấy chục xe tăng của chúng đang co cụm tại giốc Pháo Đài từ Nhà Máy nước xuống Cầu chui. Một số em nhỏ tự nguyện không chạy giặc, cùng một đơn vị biên phòng cự lại với chúng. Bố con bác Nghiên một thương binh chống Pháp ở khu phố Duyên Hải kéo cả gia đình lên chốt chống lại bọn xâm lược. Tiểu đoàn Kiên Cường một đơn vị bộ đội địa phương mới được thành lập nòng cốt là các cựu binh thời đánh Mỹ và con em mới lớn của Nhân dân các Dân tộc Lao Cai, Yên Bái tham chiến kìm chân quân xâm lược. Các trận đánh ác liệt xẩy ra tại Bản Phiệt, Cầu chui, Phong Niên, Phong Hải, Bắc Ngầm, Bến Đền, Phố Lu đã khiến chúng không dám tiến sâu vào đất ta. Trong những ngày đầu Tiểu đoàn Kiên Cường chặn đánh 4 sư đoàn của giặc diệt rất nhiều sinh lực địch. Có chiến sỹ một mình đã hạ được 72 tên xâm lược trong một trận đánh. Kết thúc Quân Dân Lao Cai đã tiêu diệt 14.500 lính, phá hủy 273 xe tăng, 30 khẩu pháo của bọn giặc Tàu mặc áo cộng sản. Thật hả lòng, hả dạ khi thấy lũ ăn cướp bị trừng trị đích đáng!

Người dân chúng tôi thấy quá bất ngờ trước việc Trung Quốc đánh ta, dù từ  cuối những năm 60 họ đã có những việc “lạ” đối với biên giới của ta, rồi khiêu khích, tuyên truyền, nạn kiều, tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lí, đưa lực lượng quân đội quy mô lớn, trang bị mạnh ra áp sát biên giới, chĩa pháo sang Việt Nam, tung thám báo biệt kích sang quấy rối, gây tình hình rất phức tạp trên toàn tuyến biên giới. Nhưng mang quân đánh sang đất ta, giết Đồng bào, Chiến sỹ ta thì thật là “lạ” và không thể hiểu nổi. Thế thì chủ nghĩa quốc tế của những người cộng sản có còn tồn tại nữa không?

Sau khi bọn xâm lược tháo chạy về nước, thị xã Lao Cai xinh đẹp thanh bình của chúng tôi chỉ còn là một đống đổ nát, hoang tàn. Những công trình công cộng: nhà ga, đường xe lửa, cầu cống, nhà bưu điện, nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy đường, nhà máy sứ, trại giống gà công nghiệp, trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể, trường học, bệnh viện bị bọn “B52 chân đất” (3) cướp phá hết. Thứ gì không lấy đi được thì chúng phá để thứ đó không còn giá trị sử dụng, như đường ray xe lửa chỗ nào không kịp tháo cứ một m chúng dùng mìn đánh thủng một lỗ. Mấy căn nhà lắp ghép chúng đánh sập chân nhiều căn hộ tầng một khiến cho ta có cảm tưởng chỉ cần gió mạnh là các tầng trên đổ ụp xuống. Khu mỏ Apatit của ta bị chúng cướp phá sạch trơn. Nhiều thiết bị máy móc Liên xô mới giúp còn nguyên hòm cũng bị cướp bóc. Nhà cửa nhân dân, đồ gỗ, đồ điện tử, đồ gia dụng không còn. Có ý kiến cho rằng do sau chiến tranh khu vực thị xã trở thành vùng trắng ban ngày dân mới được trở lại đêm phải ra nên có hiện tượng hôi của. Nếu đúng thì đó lại là trách nhiệm của chính quyền đã không đảm bảo tài sản cho người dân. Nhưng suy cho cùng nếu không có sự tráo trở hèn hạ của người bạn “núi liến núi sông liền sông, …mối tình hữu nghị sớm như rạng đông” (4) kia gây ra, thì đâu đến nỗi người dân chúng tôi tay trắng. Trong thời gian đánh sang ta bọn Trung Quốc còn dùng mã tấu giết hại dã man mấy chục em bé tại một nhà trẻ ở trung tâm huyện Bát Xát cũ.

Đối với người từng sống nhiều năm ở Lao Cai chứng kiến những thăng trầm của lịch sử tại mảnh đất này chúng tôi mãi mãi không quên ngày 17 tháng 2 năm 1979. Những người bây giờ các phương tiện thông tin nhà nước gọi chúng nó là “đồng chí”, “bốn tốt”, “mười sáu chữ vàng”, cùng theo đuổi “lý tưởng cộng sản” chỉ là bọn đã cướp phá sạch trơn và hủy diệt dã man thị xã thanh bình xinh đẹp của chúng tôi, biến chúng tôi thành những người tỵ nạn ngay trên mảnh đất đã nhiều đời ông cha chúng tôi và chính chúng tôi đổ máu, đổ mồ hôi xây dựng nên. Nay dù bọn chúng có tự tô son vẽ phấn và lừa bịp nhiều người nhẹ dạ nhưng chúng tôi những người chạy giặc năm ấy và sau này phải sống trong điều kiện thiếu thốn căng thẳng sau cuộc xâm lược của quân bành trướng bá quyền Trung Quốc năm 1979 mãi mãi ghi sâu mối thù và sẽ truyền đời cho con cháu sự kiện tháng 2 năm 1979.

Ngày nay thị xã quê hương chúng tôi đã được xây dựng lại sau ngày tái lập lại tỉnh Lao Cai, rồi được nâng lên thành đơn vì hành chính thành phố thuộc tỉnh. Các dấu vết chiến tranh đã xóa mờ trong tâm trí người già. Chính quyền đã cố làm cho người dân quên đi những hành động thú tính tàn bạo của lũ “B52 chân đất” ngày đó bằng những từ ngữ hoa mỹ nhất, bằng việc bắt dân treo đèn lồng đỏ của Tàu dịp 01/10/2011, xuyên tạc kỷ niệm ngày tái lập tỉnh đúng vào ngày khai sinh ra cái chế độ giả danh cộng sản quái thai kia (5), bằng việc cán bộ đảng, chính quyền lũ lượt kéo nhau sang học tập “bạn” cách làm kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng đảng và đâu đó có những người không muốn nhắc đến các chiến công, sự hy sinh, mất mát của Đồng bào và Chiến sỹ ta trong gia đoạn 1978-1988. Những ngày đau thương và căm giận đó mãi mãi không bao giờ có thể xóa đi trong trí nhớ của người dân thành phố Lao Cai và của toàn thể con dân Nước Việt chúng ta. Sự hy sinh của Nhân dân ta, Bộ đội ta đặc biệt là các tấm gương tiêu biểu như anh Nguyễn Bá Lại, anh Bùi Nguyên Khiết những người con không sinh ra tại mảnh đất Lao Cai, nhưng đã sống, lao động, chiến đấu và hy sinh vì quê hương Lao Cai mãi sống trong lòng những con người chân chính của thành phố Lao Cai chúng tôi.

Nhân ngày kỷ niệm sự kiện trên người dân thành phố Lao Cai chúng tôi xin được thành tâm thắp một nén nhanh dâng lên các anh và Quân Dân các Dân tộc Lao Cai Yên Bái, Nghĩa Lộ (tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ) những người đã ngã xuống trong ngày này mấy chục năm trước, cùng toàn thể Đồng bào, Chiến sỹ đã hy sinh trong giai đoạn 1978-1988. Những nén tâm nhang cũng dành cho các người con của giòng máu Lạc Hồng đã ngã xuống trong trận đánh chống lại bọn xâm lược Tàu giả danh cộng sản tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988. Chúng tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sự ngưỡng mộ và hướng về Đồng bào, Chiến sỹ đang đứng chân bảo vệ các đảo của quần đảo Trường Sa hôm nay và cả những ngư dân vẫn bám biển đánh cá khẳng định chủ quyền của nước Việt chúng ta đối với hai quần đảo này!


SL

(1) Nguyễn Bá Lại quê Thái Bình. Anh là kỹ sư địa chất đã sống và làm việc ở Đoàn địa chất 305 (ngày đó thường gọi là Đoàn địa chất số 5). Ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn Tàu cho pháo bắn dồn dập và dùng lực lượng lớn vượt hai cầu phao bắc qua sông Hồng, chiếm các điểm cao và bao vây khu vực đoàn bộ đoàn địa chất 305. Trung đội anh Nguyễn Bá Lại chiến đấu ở hướng chính diện của địch tấn công từ hướng mỏ đồng Sin Quyền. Anh Nguyễn Bá Lại đã diệt bảy tên, thu một súng AK. Trung đội của anh đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Giặc Tàu dùng cối bắn cấp tập rồi ồ ạt xông lên điểm chốt của ta. Anh Nguyễn Bá Lại nhảy lên khỏi hầm dùng AK bắn thẳng vào đội hình giặc. Noi gương anh, nhiều anh em trong hầm cũng đứng lên chiến đấu. Bất ngờ một tên địch lao vào cách hầm 2m, trên tay cầm quả lựu đạn đang xì khói. Anh Nguyễn Bá Lại nổ súng bắn nó ngã gục, quả lựu đạn văng vào trong hầm. Anh lập tức nằm đè lên quả lựu đạn, nhận sự hy sinh về mình để cứu sống sáu đồng đội trong hầm. Anh Nguyễn Bá Lại đã cùng đơn vị bẻ gãy tất cả các đợt tiến công của địch, diệt nhiều tên, bảo vệ an toàn tài liệu địa chất và hơn 300 cụ già, cháu nhỏ. Anh được truy tặng Huân chương chiến công hạng ba và danh hiệu Anh hùng.
(2) Bùi Nguyên Khiết liệt sỹ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo quê anh ở xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Trước ngày chiến tranh biên giới nổ ra, là phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, Anh mang máy ảnh, sổ tay theo các đơn vị chủ lực ngược dòng người chạy xuôi, lên biên giới để tận mắt ghi lấy cảnh chiến đấu của quân và dân ta chống quân xâm lược. Anh hy sinh ngày 17/02/1979 tại bản Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương) trong khi đang làm báo và trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân giặc Tàu xâm lược. <http://nganhdao.vnweblogs.com/print/12440/148383>
(3) Từ báo chí ta lúc đó chỉ đội quân ăn cướp của lũ giặc Tàu mặc áo cộng sản (PLA People’s Liberation Army).
(4) Lời bài hát “Việt Nam Trung Hoa” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận.
(5) Ngày giải phóng Lào Cai 10/11/1950 thừa thắng trong chiến dịch Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950 (16/09-17/10/1950). Tháng 11 không phải tháng 10. Người Pháp thành lập tỉnh Lao Kay ngày 12/07/1907 (Lao Kay danh từ riêng người Pháp dùng trong văn bản giấy tờ, dân ta quen gọi Lao Cai). Ngày tái lập tỉnh Lao Cai 10/10/1991 (theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII họp từ ngày 22/7 đến ngày 12/8/1991).


Cuộc chiến biên giới Việt – Trung 2/1979 đôi điều nhớ lại

Về phía Trung Cộng lực lượng được huy động cho chiến dịch là 28 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn và 39 trung đoàn pháo binh, 7 trung đoàn và 1 tiểu đoàn xe tăng, 2 sư đoàn phòng không, ngoài ra còn có nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh địa phương, biên phòng, các đơn vị binh chủng (công binh, thông tin, vận tải…), lực lượng dân binh tham gia trực tiếp chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu. Một số sư đoàn không quân và hải quân của hạm đội Nam Hải cũng được lệnh sẵn sàng phía sau.

Các lực lượng trên chủ yếu được lấy từ 2 quân khu Quảng Châu và Côn Minh, nhưng cũng có các đơn vị của các quân khu khác như Thành Đô, Thẩm Dương… tham gia tăng cường.

Lực lượng tham chiến của Việt Nam là các đơn vị thuộc Quân khu 1 và Quân khu 2 gồm các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới Lai Châu, Hoàng Liên Sơn (Lào Cai Yên Bái), Hà Tuyên (Hà Giang – Tuyên Quang), Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh

Cuộc chiến kéo dài 16 ngày, chia thành 2 giai đoạn:


Giai đoạn 1

5 giờ sáng ngày 17 thang2 năm 1979 lực lượng Trung Cộng khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Tổng cộng quân Trung Cộng xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, Các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.
Không quân và hải quân không được sử dụng trong toàn bộ cuộc chiến. Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có “lực lượng thứ năm” gồm những người Việt gốc Hoa cài cắm từ lâu trên đất Việt Nam. Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với “lực lượng thứ năm” này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.

Tiến nhanh lúc khởi đầu, nhưng quân Trung Cộng nhanh chóng phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống hậu cần Hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới rất mạnh, với các hầm hào hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là Trung Cộng phải chịu thương vong lớn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương, Đồng Đăng, Ở Đông Bắc. quân Trung Cộng cũng đã vượt sông Hồng và đánh mạnh về phía Lào Cai.

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 2, chiến sự lan rộng hơn. Quân Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung Cộng hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và cuối cùng cũng chiếm được Mường Khương, Trùng Khánh, và Đồng Đăng. Tại Móng Cái, hai bên giành giật dai dẳng. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Cộng chết trong hai ngày đầu này.

Trận chiến tại Đồng Đăng bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận ác liệt nhất.Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tấn công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc Cụm điểm tựa Thâm Mô, Pháo Đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ phía Tây Nam thị xã Đồng Đăng, do lực lượng của 2 tiểu đoàn 4, 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn. Lực lượng phòng thủ không được chi viện nhưng đã chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 22. Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Cộng chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.

Ngày 19 tháng 2, Đặng Tiểu Bình tuyên bố đây là cuộc chiến tranh hạn chế và Trung Quốc sẽ rút quân ngay sau khi đạt được mục tiêu giới hạn,

Trong giai đoạn đầu đến ngày 28/2/1979 quân Trung Cộng chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam nên quân Trung Cộng tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng. Việt Nam còn phản kích đánh cả vào hai thị trấn biên giới của Trung Quốc.

Giai đoạn 2:

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn. . Suốt ngày 27, ở hướng Cao Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141; ở hướng đường 1B, sư đoàn 161 bị trung đoàn 12 ghìm chân; ở hướng đường 1A, trung đoàn 2 vừa chặn đánh sư đoàn 160 từ phía Bắc vừa chống lại cánh quân vu hồi của sư đoàn 161 từ hướng Tây Bắc thọc sang. Trong suốt các ngày từ 28 tháng 2 đến 2 tháng 3, quân Trung Cộng vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, tuy đã dùng cho hướng tiến công này gần 5 sư đoàn bộ binh. nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn, mà có trận quân phòng thủ Việt Nam đánh đến viên đạn cuối cùng,

Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14.

Rút quân
Ngày 5 tháng 3 năm 1979,Bắc Kinh tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh và bắt đầu rút quân.
Mặc dù Trung Cộng tuyên bố rút quân, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Dân thường Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết, chẳng hạn như vụ thảm sát ngày 8/3 tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng khi quân Trung Cộng đã dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Cộng còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân hay cột điện, tại các thị xã thị trấn Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn,…

Ngày18 tháng 3 năm 1979, Trung Cộng hoàn tất việc rút quân khỏi Việt Nam.

Ba mươi ba năm về trước, lúc 5g25’ sáng ngày 17/2/1979, tiếng đại pháo của quân Trung Công đồng loạt khai hỏa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Phong Thổ, Lai Châu đến địa đầu Móng Cái, mở đầu một cuộc chiến, mà đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh là “dạy cho quân côn đồ Việt Nam một bài học” (Đặng Tiểu Bình); đối với giới lãnh đạo Việt Nam là “trận đánh xâm lược của bọn bá quyền Trung Quốc” (Lê Duẫn). Còn đối với quốc tế thì đó là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba.
Dù gọi dưới danh xưng gì đi nữa thì cuộc chiến này vẫn là một trong những trận chiến thảm khốc nhất Việt Nam dưới gốc độ hủy diệt và dã man trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Không có bất cứ số liệu nào chính thức và đáng tín cậy về con số thương vong của quân dân hai bên tham chiến, tuy nhiên con số mà người ta ước lượng là trên 100 ngàn người cho cả hai phía sau gần 30 ngày giao tranh đẫm máu sau khi Trung Quốc chính thức rút quân vào ngày 16/3/1979.

Trên đường tấn công, quân Trung Cộng nã súng không thương tiếc đối với bất kỳ ai, bất kỳ vật gì mà họ gặp trên đường tiến quân. Sư đoàn 163 (Trung Quốc) nhận được lệnh từ cấp trên là “sát cách vô luận” (giết người không bi buộc tội) do vậy lính Trung Cộng vô tư, “rộng rãi” sử dụng đại bác, hỏa tiển, súng phun lửa, mìn và kể cả xăng để tiêu diệt từ làng này sang làng khác, hết chục người này đến trăm, ngàn người khác.
Nếu như, ở Bát Xát (Lào Cai), hàng trăm phụ nữ bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang, thì tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người gồm 23 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.”

Kết quả đó đã được Đặng Tiểu Bình hả hê xác nhận chủ tâm dã man này trong một bài nói chuyện đúng vào ngày rút quân của Trung Quốc: “Mười một ngày này trên đường trở về đã quét dọn một số hang, có một số vật tư giấu ở hang này hang nọ, một số thôn trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người.”

17/2/1979 -

Ngày này, ba mươi ba năm sau, dường như không còn chút vết tích gì về cuộc chiến đó trên quê hương Việt Nam. Đối với mỗi người Việt Nam yêu nước câu hỏi lớn và đau đớn nhất trong ngày này – đây là một sự lãng quên vô tình hay phản bội ? Bởi toàn bộ hệ thống truyền thông, báo chí chính thống của nhà nước không hề nêu lên một chữ dù chỉ để nhắc nhớ như đã từng nhắc nhớ về những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ?

Trong hàng loạt những hoạt động tưởng nhớ, đền ơn những người có công với đất nước người ta không hề nghe đến những người đã hy sinh cho Tổ quốc trong trận chiến với “quân Trung Quốc xâm lược”. vào tháng 2 năm 1979. Trên các tỉnh phía Bắc, nơi xảy ra cuộc chiến, những tấm bía nào có ghi dồng chữ “quân Trung Quốc xâm lươc” đều bị xóa sạch.

Cũng có những nghĩa trang chôn cất những người đã hy sinh trong trận chiến nhưng lại đìu hiu đến ngậm ngùi. Nghĩa trang Duyên Hải, Lào Cai là một điển hình chua xót. Cũng từ chủ nghĩa ấy các anh đã cầm súng và hy sinh, và sự hy sinh của các anh ngày hôm nay đã biến vào hư không, âm thầm như nhũng cái chết vô danh. Những nấm mộ này vẫn đang nằm trong lãng quên của nhiều người, ngoại trừ nỗi buồn đau của người thân các anh.

Đáng lẽ ngày này phải có lễ kỷ niệm, bởi vì đó là ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam tàn phá biên giới giết hại nhân dân Việt Nam. Đó là một dấu mốc mà nhân dân Việt Nam đời đời khắc cốt, ghi xương. Đáng ra phải có lễ kỷ niệm, nhưng vì sao vậy? Đó là do sức ép của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Trung Quốc vừa ăn cướp vừa bịt miệng nạn nhân với những mỹ từ nào là “16 chữ vàng” nào là “4 tốt”


Liệu pháp “16 chữ vàng” và “4 tốt” xuất hiện trong bối cảnh nào mà đã xóa sạch mọi vết tích của trận chiến ngày 17/2/1979. Thậm chí nó còn muốn hủy diệt sức đề kháng trước ngoại xâm của dân tộc Việt Nam?

Vì sao hình ảnh “16 chữ vàng” và “4 tốt”đã thay chỗ cho những khuôn mặt đau thương, những thân hình tàn phế cùng những hy sinh không đếm được của hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào trong cuộc chiến 17 tháng 2 năm 1979 – Nguyên do là vì nhóm cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã cam tâm cúi đầu làm tay sai tập đoàn bành trướng, bà quyền Đại Hán.
Hàng ngàn năm sống bên cạnh Trung Quốc đã cho người Việt Nam quá nhiều kinh nghiệm và bài học. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay vì luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của dân tộc nên mới nhận kẻ thù truyền kiếp của dân tộc làm bạn, rồi bây giờ cũng vì quyền lợi riêng, nên cúi đầu cam tâm thần phục Bắc Kinh. Và ép buộcnhân dân phải đớn hèn theo họ!


Thụy Giang
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us