Trở về trang đầu » » Nghe nhạc Nguyễn Văn Đông - Trần Thiện Thanh

Nghe nhạc Nguyễn Văn Đông - Trần Thiện Thanh

Trong hàng tá nhạc sĩ mà tôi thích nghe. Nhiều lúc thống kê thích nghe nhạc ai nhất thật là khó. Từ Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Nguyên Vũ, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Giác...chắc mình chỉ chọn ra hai người đó là Trần Thiện Thanh và Nguyễn Văn Đông. Hai nhạc sĩ viết về đời lính rất nhiều.

Trần Thiện Thanh làm tôi yêu nhất vì những bài hát về những người lính đã tử trận. Đời người ta phù thịnh, mấy ai phù suy. Những nhạc sĩ bên kia chiến tuyến thi nhau tôn vinh những người đang sống thì phía bên này với tấm lòng nặng trĩu nỗi đau , đồng cảm với thân nhân người tử trận. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vắt những nỗi đau, niềm nhớ tạo thành những nốt nhạc bi hùng để chia sẻ với chiến hữu và thân nhân người tử trận. Dòng nhạc tiễn biệt người đi không bao giờ trở lại là dấu ấn đặc biệt nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Phải có một tấm lòng tinh tế để thấu hiểu nỗi đau của người khác lắm, phải có sự rung cảm từ đáy lòng lắm mới có những lời ca như lời ai điếu sâu sắc như vậy.

Ngày anh đi
anh đi từ tổ ấm
Anh ơi
Địa danh nào thiếu dấu chân anh.
Đợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ
Tấm khăn sô
Bơ vơ, người goá phụ cầu được sống trong mơ.

Giữa cuộc chiến tranh khốc liệt, dằng dai. Lúc mà chỉ có người chiến thắng, người lập chiến công hiển hách được tôn thờ, ca ngợi. Trần Thiện Thanh lặng lẽ đi vào khoảng sau lưng người lính đã ngã. Tổ ấm, đứa bé thơ, người goá phụ. Những hình ảnh mà khó bao giờ chúng ta thấy ở những nơi mà không có tự do sáng tác, nơi mà mọi tình cảm con người đều được định hướng như một phép toán học.

Anh không chết đâu anh
Anh chỉ về với mẹ mong con.

Có lời an ủi nào cho người lính đã chết thống thiết và nhân văn hơn những lời giản dị ấy. Anh chỉ về với mẹ mong con. Chỉ một câu ngắn vài từ mà Trần Thiện Thanh đã vẽ được cả một cuộc tử ly, chua xót và đau đớn của cả một thế hệ, một dân tộc mà đọc qua tưởng rất nhẹ nhàng.

Xin trăm năm như vì sao sáng đó
Hỡi người định mệnh là vì sao lẻ

......

Một áo quan đóng vội
Một chuyến cuối phiêu du.

Rất cố gắng để tìm kiếm ngôn từ, để mỗi người lính ngã xuống trong nhạc phẩm của mình được chia sẻ khác nhau, không trùng lặp. Trần Thiện Thanh trân trọng những người đã khuất với cách cẩn trọng tìm tòi ngôn từ để mỗi người được một bài ai điếu khác nhau, không rập khuân chung chung. Cách làm ấy chỉ có một tấm lòng tha thiết, nhân văn cực sâu thẳm mới kiên nhẫn làm được. Nhưng trong mỗi số phận riêng, lời ca riêng ấy đều có một điểm chung là lời an ủi rất nhẹ nhàng mà thắm thiết đến ngàn đời sau.

Người lính của Nguyễn Văn Đông thường là những người lính phảng phất bóng dáng của người tráng sĩ trong truyện kiếm hiệp. Đầy vẻ oai hùng, bi tráng của những cuộc chia ly. Người đi biên giới xa xăm gió bụi, người ở lại chốn khuê phòng nhung nhớ dõi theo. Hàng loạt tác phẩm của mình như Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lời Giã Biệt, Chiều Mưa Biên Giới, Anh, Xin Đừng Trách Anh...luôn có vẻ lãng mạn của người thư sinh vì non nước binh đao phải băng mình vào chiến tuyến xa xôi, khói lửa. Lời ca của Nguyễn Văn Đông đẹp như câu chuyện. Nếu câu chuyện của Trần Thiện Thanh là lời ai điếu không ai có thể nặng ân tình hơn thì câu chuyện của Nguyễn Văn Đông cũng là lời giã biệt, lời chia tay không ai có thể viết buồn lắng đọng và thấm thía hơn.

Người đi giúp núi sông
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Người người quyết giữ câu thề
Dành lấy quê hương
Hỡi người anh thương
Chưa trọn thề ước
Nhưng tình đất nước
Ôi lớn lao sao đành...

Người lính của Nguyễn Văn Đông có tình yêu sâu nặng, nhưng ý thức trách nhiệm với đất nước vô cùng. Ý thức được nghĩa vụ làm người trai đất nước lúc tổ quốc lâm nguy, gói hạnh phúc riêng làm hành trang đi vào cuộc chiến. Chia ly đi vào hòn tên, mũi đạn thập phần sinh tử mà luôn ước mơ ngày về giản dị, nhẹ nhàng.

Hẹn một ngày mai đàn thay tay súng
Người lính thất hứa và hay quên
Mang chiếc áo cưới nhờ thêu thêm
Một câu hứa '' anh đền''

Không cần chiến công vang dội, không cần chiến thắng huy hoàng. Không có lời hứa hẹn giết thật nhiều giặc. Cái cao cả và nhân văn của Nguyễn Văn Đông hơn người ở chỗ đó. Người lính của Nguyễn Văn Đông chỉ mong mỏi cuộc chiến qua nhanh để trở về với ước mơ giản dị, khiêm nhường như thế, chẳng cần huân huy chương, chẳng cần cờ hoa vẫy gọi. Vì sao vậy, vì Nguyễn Văn Đông hiểu rằng đằng sau những chiến công là xác chết, dù người chết có là kẻ thù đi nữa thì cũng là điều mà người nhạc sĩ nhân ái khó lòng ca ngợi. Nhất là những người lính hai bên chiến tuyến cùng chung dòng máu, dân tộc.

Bao ước mơ
Giữa khung trời phiêu lãng
Chờ mùa xuân tươi sáng
Nhưng mùa thắm chưa sang.

Thế thôi, chẳng phải lên gân, cao giọng đầy tính chiến đấu của cái gọi là đấu tranh giai cấp. Tất cả chỉ  gói lại là một mùa xuân tươi sáng cho đất nước chung, để niềm hạnh phúc riêng được hoà trong đó. Chỉ là khắc khoải rất nhân bản của một ước mơ rất tình người, không phải chiến công lẫy lừng để về khoe mẽ với người yêu. Người lính của Nguyễn Văn Đông đi vào cuộc chiến với tâm trạng rất buồn, dường như họ hiểu đây là một cuộc tương tàn giữa anh em, chả phải là hào hùng gì để mà tìm kiếm chiến công, huân chương, thành tích. Thậm chí Nguyễn Văn Đông còn tỏ ý khinh thường những thứ phù phiếm đó trong nhạc phẩm bất hủ Chiều Mưa Biên Giới. Như một lời cảnh báo, nhắc nhở cho những ai coi chiến tranh là cơ hội để tìm kiếm công danh.

Lòng trần còn tơ vương khanh tước
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều...anh....ơi.

Nhưng yêu mến hơn cả ở hai người nhạc sĩ tài hoa này, là những người phụ nữ, những người hậu phương của họ đều có tấm lòng son sắt, cảm thông và thương yêu , chia sẻ với những người  lính đi vào cuộc chiến tương tàn, khốc liệt. Nhất là ngày nay, trong một xã hội điên loạn với những cuộc tình sặc mùi tiền, nhục dục. Một xã hội mà khó tìm đâu thấy những tình yêu đến với nhau vì lý tưởng, vì tấm lòng, vì suy tư trong mỗi con người. Chúng ta thử nhìn quanh và hỏi, còn đâu hòn Vọng Phu trong cuộc đời này nữa. Mọi điều chỉ có trong sách xa xưa như cổ tích. Những cuộc tình chóng vánh sớm tan tành để hối hả đi kiếm tìm bạn tình khác. Người ta sợ cô đơn, người ta muốn sống gấp. Người ta muốn được chăm sóc, được đưa đón...

theo Blog Người Buôn Gió
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us