Trở về trang đầu » » Hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài là một phần máu thịt của dân tộc

Hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài là một phần máu thịt của dân tộc

Kiều bào về dự đại hội (ảnh Giảng Thanh Sơn ; Lao Động)
Các thế hệ kiều bào ở nước ngoài đang là nguồn lực to lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng hiệu quả lượng chất xám này do thiếu các cơ chế đãi ngộ thỏa đáng. Ảnh: Vũ Lê
Hôm qua, tại Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần 2, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và nhiều đại biểu đã nhìn thẳng vào thực trạng đánh rơi chất xám từ cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc. Trong phiên khai mạc và trình bày tham luận chuyên đề, hội nghị xoáy vào việc tìm giải pháp khơi thông nguồn lực to lớn của cộng đồng này trong thời gian tới.

Trước gần 1.000 đại biểu và kiều bào, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nói: "Hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài là một phần máu thịt của dân tộc đồng thời là tài sản quý báu của đất nước. Thế nhưng nguồn lực to lớn này vẫn chưa được khai thác hết".

Ông Lê Hồng Anh nhận xét, công tác về người Việt ở nước ngoài còn nhiều việc phải làm. Các chính sách liên quan đến quyền lợi của kiều bào như quốc tịch, đầu tư kinh doanh, mua và sở hữu nhà... vẫn còn những vướng mắc. Cấp bách nhất là còn thiếu cơ chế kêu gọi, hỗ trợ trí thức kiều bào về làm việc trong nước.

Từ thực tế này, ông Lê Hồng Anh kêu gọi kiều bào đóng góp ý kiến về hướng phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất gói giải pháp thu hút nguồn lực này. "Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác về kiều bào, đồng thời đề xuất đề án vận động cộng đồng trước mắt và lâu dài", ông nói.

Là Việt kiều Philippines về nước từ năm 1984, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn nhận xét: "Nguồn lực của kiều bào của Việt Nam rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa khai thác hết thế mạnh".

Ông đề xuất Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt ở nước ngoài gắn bó với quê hương, bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt, từ đó trở về quê cha đất tổ kinh doanh và đầu tư.

Theo ông Johnathan, nhà nước cần chú trọng hình thức khen thưởng động viên kịp thời tương xứng với những thành tích đóng góp có hiệu quả của các kiều bào. Nhất là tập trung chú ý phát hiện bồi dưỡng các nhân tố tích cực làm lực lượng nòng cốt đóng góp, phục vụ cho đất nước.

Doanh nhân Việt kiều Philippines này cho hay, hiện nay kiều bào không chỉ có người lớn tuổi mà còn có thế hệ trẻ đang nổi lên với nhiều thành tích. Chính thế hệ thứ hai, thứ ba này đang làm thay đổi cơ cấu cộng đồng người Việt ở xa quê hương.

Đặc điểm của thế hệ trẻ, theo ông Johnathan, là đều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít có cơ hội tiếp cận với văn hoá, chưa hiểu rõ tập quán và truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên bù lại các em được tiếp cận với môi trường khoa học quản lý tiên tiến, hiện đại với tư duy sáng tạo. "Thế hệ trẻ chính là nguồn lực mới, nối tiếp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài", ông nói.


Kiều bào Mỹ là người Việt gốc Hoa về dự Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần 2 tại TP HCM ngày 27/9. Ảnh: Vũ Lê
Báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt trên thế giới tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng địa bàn cư trú. Đến nay, có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ. Cộng đồng ngày càng ổn định, hòa nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức.

Hàng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó có nhiều chuyên gia, trí thức về làm việc và nhiều người về tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh.
Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% mỗi năm. Riêng năm ngoái kiều hối đạt trên 9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hồi nhiều nhất. 6 tháng đầu năm 2012 kiều hối đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước.

Riêng kiều bào là chuyên gia, trí thức, hàng năm có gần 300 lượt về nước đóng góp chuyên môn và tham gia các chương trình nghiên cứu, triển khai công nghệ giáo dục đào tạo nhưng phần lớn đều là hoạt động ngắn ngày. Trong số các chuyên gia giỏi có không ít người là doanh nhân thành công tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn so với nguồn lực to lớn của kiều bào.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho hay nhiều năm nay Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã xây dựng đề án thu hút chuyên gia gốc Việt về xây dựng đất nước. Theo đó, đề án này đề xuất chính sách có tính chất đột phá về đãi ngộ.

Nhiều đại biểu cho rằng chính phủ cần tạo đầu mối thông tin hỗ trợ Việt kiều về nước thành lập các nhóm chuyên gia đầu ngành, đóng vai trò hỗ trợ tư vấn chiến lược. Cách thiết thực nhất là xây dựng mô hình thí điểm, từ đó điều chỉnh hoàn thiện chính sách khuyến khích chuyên gia gốc Việt trở về góp phần xây dựng quê hương.

Theo Xã Luận
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us