Xe hàng trái cây Trung Quốc đi qua cửa khẩu Tân Thanh |
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa công bố kết quả kiểm nghiệm đã phát hiện 2 mẫu nho, 1 mẫu lựu, 1 mẫu mận tươi nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép 3-5 lần. Tuy nhiên, những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn, đầu mối nhập khẩu trái cây lớn nhất cả nước - ghi nhận nơi đây vẫn tấp nập các đoàn xe nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc.
Ung dung nhập chính ngạch
Hằng ngày từ buổi chiều đến 21 giờ, từng đoàn xe chở trái cây nối đuôi nhau vượt qua biên giới làm thủ tục nhập khẩu. Cả khu vực cửa khẩu Tân Thanh chật cứng các xe tải lớn, trong đó chủ yếu là hàng nông sản.
Ông Nguyễn Văn Chương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn), cho biết theo quy định hiện nay, trái cây là mặt hàng có thuế suất nhập khẩu bằng 0 nên gần như 100% trái cây nhập từ Trung Quốc về Việt Nam đều là nhập chính ngạch mà không phải nhập lậu như trước đây. Hiện trái cây nhập từ Trung Quốc về chủ yếu là táo, lê, cam, quýt, dưa vàng… Trung bình mỗi ngày nhập khoảng 40 container hoặc xe tải lớn, tương đương 1.000 tấn trái cây các loại.
Theo quy định, tất cả mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây, đều phải qua kiểm dịch của Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh, sau đó ngành hải quan mới cho phép làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Bách, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh, trái cây được nhập về theo hình thức biên mậu giữa tư thương hai nước mà không phải là giữa các doanh nghiệp với nhau nên thiếu ràng buộc trách nhiệm và nguy cơ chất lượng sản phẩm không an toàn là rất dễ xảy ra vì không có hợp đồng mua bán mà chỉ là giao kèo miệng.
Không nên ăn trái cây trái vụ
Bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh - Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, cho biết các mặt hàng trái cây nhập khẩu đều được tiến hành lấy mẫu kiểm dịch với tỉ lệ 10%. Mới đây, trạm kiểm tra nhanh đã phát hiện một mẫu mận tươi có dư lượng chất bảo quản vượt quá giới hạn cho phép.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo kiểm tra chặt mặt hàng mận và tiến hành lấy mẫu 30% theo quy định. Ngoài ra, sẽ tập trung kiểm tra chặt hơn nữa đối với khoai tây và một số mặt hàng trái cây có tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà Hiền, do trái vụ nên từ đầu tháng 9 đến nay mới có 42 tấn mận tươi được nhập về Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, thông thường các mặt hàng trái cây trái vụ đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo quản nên nguy cơ vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn cao hơn các loại hoa quả chính vụ. Hiện Trung Quốc bước vào vụ chính các loại hoa quả táo, lê, cam, quýt, dưa vàng nên sẽ hạn chế dùng chất bảo quản hơn rất nhiều so với các loại trái vụ.
“Mận của Trung Quốc đều là mận trái vụ được thu hoạch từ tháng 4, tháng 5 ở tỉnh Sơn Tây và được giữ ở nhà lạnh và chắc chắn có sử dụng chất bảo quản vượt ngưỡng nhằm giữ chất lượng. Khi sử dụng hóa chất bảo quản thì trái cây trái vụ sẽ không ngon, tươi bằng các loại đúng vụ. Vì thế, người tiêu dùng không nên ăn các loại này vì nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn” - bà Hà khuyến cáo.
Ngay sau khi phát hiện mẫu mận có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII đã có văn bản thông báo chính thức cho Cục Kiểm dịch Kiểm nghiệm (Bằng Tường - Trung Quốc) để phối hợp kiểm soát tốt hơn các mặt hàng trái cây.
Theo Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.