Bẩn trầm trọng
Các hàng quán tại khu vực Làng Đại học Thủ Đức được mệnh danh là thiên đường của các loại thực phẩm tái chế. Hàng chục ngàn sinh viên hằng ngày đối diện với nguy cơ bị đầu độc sức khỏe từ các quán cơm giá rẻ (giá chỉ dao động từ 12.000 - 20.000 đồng/suất).
Giả làm người mua hàng, chúng tôi tiếp cận với người bỏ mối thực phẩm cho quán T. T. K.. Hầu hết rau củ, quán ăn này đều lấy hàng "loại 3". Theo lời giải thích của người bỏ mối, hàng "loại 1" vào siêu thị, nhà hàng; hàng "loại 2" bán lẻ ngoài chợ còn hàng "loại 3" thì chủ yếu "đổ" cho quán cơm sinh viên, công nhân, người lao động với giá rất "bèo", chỉ vài ngàn đồng/kg. Rau này được "đổ" hổ lốn vào sọt, từ cà chua loại xanh, cà rốt, khoai tây, xà lách đến cả những bịch rau đã héo, dập, nát. Người giao hàng cũng cho biết: "Bọn tôi chuyên bỏ mối cho các quán cơm sinh viên ở khu vực này, thực phẩm đa dạng, tùy theo số lượng và chất lượng mà định giá chứ không có một khung giá chung".
Trong vai đi xin việc làm thêm cho đứa em sinh viên, chúng tôi đã thâm nhập và tận mắt chứng kiến cách chế biến thức ăn giá rẻ cho sinh viên của quán cơm B. D., nơi có lượng lớn thực khách sinh viên trong Làng Đại học Thủ Đức. Căn bếp vài mét vuông chật kín người. Thực phẩm nằm ngổn ngang trên sàn, mặc người qua lại giẫm chân lên. Thực phẩm sống, cá thịt vừa nhập về đều được để trước cửa nhà vệ sinh, chờ xử lý ướp bột hàn the cho giòn, dai. Lượng thực phẩm rất lớn nhưng chỉ có một thùng xốp nhỏ, đặt nơi góc bếp để bảo quản một phần nhỏ cá thịt, không hề có tủ đông lạnh bảo quản.
Những gói bột trắng bảo quản đồ ăn ko rõ nguồn gốc
Một sinh viên làm phục vụ quán cơm B. D. cho biết: "Thức ăn thừa của ngày hôm trước được gom lại, trước khi bán thì đun nóng lại. Có những món bán cả hai tuần vẫn chưa hết". Chứng kiến quy trình làm món ăn của quán B. D. mới thấy hết mức độ mất vệ sinh ở đây. Ngay bên cạnh nhà vệ sinh là một thùng nhựa đựng thức ăn thừa của khách, kế bên là chỗ rửa chén (bát), nước bẩn văng tung tóe. Ấy vậy mà, chỉ sau 5 phút, chảo thịt thừa đã trở thành món mới nóng sốt với màu vàng ươm bắt mắt. Một mớ rau đã hư quá nửa, vẫn được đầu bếp ở đây rửa qua loa cho vào chảo thịt cũ. Thấy chúng tôi thắc mắc: "Làm vậy không sợ sinh viên ăn bị bệnh à?", người giúp việc ở đây trả lời tỉnh queo: "Chủ quán chỉ tụi tôi làm vậy và tụi tôi chỉ biết làm. Mà các quán ở đây đều làm cả vậy. Thức ăn đun nóng rồi, sợ gì!".
Muôn màu công nghệ tái chế
Tại khu vực trường ĐH Giao thông Vận tải (cơ sở 2, trên đường Lê Văn Việt, Q. Thủ Đức), quán cơm K. T., với diện tích khá rộng và nằm ở vị trí đẹp, hằng ngày phục vụ một số lượng lớn sinh viên đến ăn. Khi được hỏi về nguồn gốc của mặt hàng thịt, chị D., chủ quán cho biết: "Thịt gà và thịt heo đều do người nhà bỏ mối nên giá khá mềm. Rau muống lấy ở chợ đầu mối về dùng cả tuần". Vào được khu vực nấu bếp, chúng tôi tận mắt nhìn thấy chất lượng thực phẩm mà quán sử dụng. Một đống rau dập úa, chất dồn vào góc lụp xụp cuối bếp. Khu vực nấu bếp đen ngòm. Những hũ gia vị ngổn ngang, không được che đậy. Một bịch bột trắng, không rõ nguồn gốc văng tung tóe. Theo như người làm ở đây cho biết, đó là chất chuyên dùng để làm nở và xốp cơm, đồng thời, khử mùi hôi của thịt do để lâu ngày. Những can dầu được tái sử dụng nhiều lần, không hề có nhãn mác, nằm la liệt dưới gầm bàn.
Khu vực gần cổng trường ĐH Công nghiệp TP. HCM cũng là một trong những "điểm đen" tập trung rất nhiều quán cơm sinh viên mất vệ sinh. Quán cơm D. X. trưng biển lớn là "cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm" nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn bỏ mối hàng thực phẩm trôi dạt, với giá "bèo" thì chủ quán vội xin ngay số điện thoại để đặt hàng. Trước đó, quán này cho biết, vẫn lấy hàng ngoài chợ Gò Vấp nhưng cũng là hàng "loại 3" giá "bèo". Những thức ăn cũ, chuẩn bị tái chế bán vào buổi trưa, ruồi nhặng bu quanh. Khoảng 20 phút tái chế, xào xáo trên dầu nóng, "gia cố" thêm bằng các loại nước màu, bột điều, xì dầu, đầu bếp ở đây đã đưa ra các món mới với màu sắc bắt mắt. Nấu ăn đã bẩn, công nghệ rửa chén (bát) nơi đây cũng kinh hoàng không kém: Một thau nước lớn được hòa với nước rửa chén (bát) loại trôi nổi, không nhãn mác. Nhân viên quán đưa chén (bát) bẩn vào, khuấy mạnh. Sau đó, cho qua một thau nước khác để xả là... xong.
Đe dọa sức khỏe sinh viên
Những can dầu đen để chế biến đồ ăn
Nếu như sinh viên ở trọ ngoài còn có thể tự nấu ăn thì các bạn sinh viên sống trong KTX, đa phần đều phải chấp nhận ăn quán vì không được phép tự nấu ăn trong phòng. Muốn yên tâm, việc dùng cơm căng tin là lựa chọn gần như bắt buộc. Hồng Thanh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: "Dân sinh viên ở KTX tụi mình không dám ra ngoài ăn cơm, chỉ ăn cơm căng tin cho an toàn. Có lần, bạn bè rủ ra ngoài ăn cơm đổi món, về bị đau bụng dữ dội, mình đã phải đi nằm viện cả tuần lễ". Hồng Ánh (năm thứ ba, trường ĐH Công nghệ Thông tin) tâm sự: "Mình hay mua cơm ở quán cơm ngoài về phòng ăn. Có lần, mình phát hiện ra bịch cơm thêm để đến 3 ngày mà không hề bị thiu. Mình rất hoảng sợ. Nguy hiểm hơn là khi mới ăn cơm thấy rất no, nhưng chỉ nửa tiếng sau là lại đói lại như thường. Thấy không ổn nên mình không dám ăn quán bên ngoài nữa". Nhiều sinh viên vì khiếp sợ những quán ăn bẩn nên đã quyết định hùn nhau lại nấu ăn để đảm bảo sức khỏe. Quang Hùng (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật) nói: "Nhiều lần ăn ngoài bị đau bụng nên mình rủ hai đứa bạn cùng dãy trọ mua đồ nghề về nấu ăn chung. Tính ra, đông người ăn cũng tiết kiệm hơn so với ăn quán".
BS Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic - Hòa Hảo cho biết: "Những vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, những câu chuyện về bệnh ung thư do ăn trúng hóa chất độc hại ngày càng nhiều. Đó là tác hại của việc pha chế thực phẩm mất vệ sinh như chiên bằng dầu thải, thịt heo siêu nạc sử dụng hóa chất... Những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã cho vào thực phẩm những "phụ gia" hóa chất độc hại như chất tạo mùi, hàn the trong loại bánh, bột. Thậm chí, chất phẩm màu công nghiệp cũng được cho vào đồ ăn để tạo màu sắc hấp dẫn. Sử dụng hóa chất ướp để bảo quản thức ăn, giờ đây, không còn là chuyện lạ".
Cũng theo BS Trung, hiện phổ biến nhất là trường hợp sinh viên ngộ độc vi sinh. Ông liệt kê một loạt nguyên nhân: Thức ăn nhiễm khuẩn do bảo quản kém. Hàng rong lề đường hứng bụi bặm, ruồi nhặng mang vi khuẩn, ký sinh trùng vào thức ăn. Hàng quán chế biến cạnh nhà vệ sinh. Thực phẩm ôi thiu trong quá trình vận chuyển, như da heo, mỡ heo, thịt trên các phương tiện không chuyên dụng. Thực phẩm tự phát độc khi bảo quản không tốt như khoai tây mọc mầm, nấm mốc trong đậu phộng, thịt đông lạnh nhiễm khuẩn. Chính vì thế, giờ đây, các bạn sinh viên càng phải nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình.
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, LS Nguyễn Văn Trường (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết:
Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm không an toàn. Nếu tái phạm có thể cấm, rút giấy phép kinh doanh. Tùy mức độ thiệt hại, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể bị phạt hành chính, rút phép kinh doanh. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng như làm ngộ độc dẫn đến chết người thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sự về tội "vi phạm quy định về an toàn thực phẩm". Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng thì bị phạt từ 1 đến 5 năm tù (khoản 1); nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ 7 đến 15 năm tù (khoản 3). Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm kinh doanh từ 1 đến 5 năm (khoản 4).
Cách nào "né" cơm bẩn?
* Nguyễn Duy Phong (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM): Tụi mình thường tập trung 4 - 5 bạn, đi chợ mua đồ và nấu nướng tại phòng trọ. Hình thức này vừa tiết kiệm được chi phí mà bữa ăn chất lượng và an toàn hơn.
* Hoàng Mạnh Tiền (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM): Mình nghĩ, tự nấu ăn là an toàn nhất cho nên đầu năm nay, mình quyết định không ở KTX, ra ngoài trọ để thoải mái việc nấu nướng. Có thể chi phí trọ học sẽ tăng lên nhưng bù lại sẽ đảm bảo sức khỏe.
* Dương Trung Oanh (trường ĐH KHXH& NV, ĐHQG TP.HCM): Thức ăn bẩn giờ đâu đâu cũng thấy, sinh viên rất khó có sự lựa chọn. Năm nay mình gửi tiền, để được ké cơm trưa với mấy bạn ở trọ. Vừa được ăn ngon mà không lo ảnh hưởng sức khỏe. Còn những bữa ăn ngoài mình cũng phải chọn quán nhìn có vẻ sạch sẽ, an toàn.
* Đinh Văn Dũng (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM): Tụi mình hy vọng, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh lại hoạt động của các quán cơm sinh viên. Kinh doanh gì thì cũng phải có đạo đức. Sinh viên tụi mình là khách hàng nên cần được tôn trọng.
Quốc bảo- Văn Thể (báo Sinh Viên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.