Chịu được động đất cấp 7 hay 9?
TP - Tuyên bố đập thủy điện Sông Tranh 2 có thể chịu được động đất tới cấp 9 với gia tốc nền lên tới 350cm/s2 của ông Nguyễn Tài Sơn - TGĐ Cty Tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế công trình khiến những người tham dự cuộc họp báo chiều 28-9 tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) ngỡ ngàng.
Bởi từ trước đến giờ, trên mọi hồ sơ thiết kế, ngưỡng chịu đựng động đất của đập thủy điện Sông Tranh 2 được ghi là cấp 6-7 với gia tốc nền cực đại 150cm/s2.
Báo chí chất vấn tại buổi họp báo về Thủy điện Sông Tranh 2 ngày 28-9 tại Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Cuộc họp báo do Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) về các công trình xây dựng, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức để thông báo kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Ngỡ ngàng
Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch HĐNTNN khẳng định: Đến thời điểm này, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đảm bảo an toàn. Hồ sơ thiết kế công trình đã được thẩm định phê duyệt tuân thủ các quy định hiện hành.
Chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn là Liên danh Nippon Koei – J.Power (Nhật Bản) thẩm tra thiết kế kỹ thuật của công trình, kết quả thẩm tra cho thấy đập vẫn an toàn và ổn định.
“Riêng về kháng chấn, ở giai đoạn lập dự án, Viện vật lý địa cầu đã tổ chức nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm của động đất ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 và nghiên cứu các đới đứt gãy có thể phát sinh. Sau khi nghiên cứu, phân tích mạng lưới đứt gãy trong khu vực, Viện đã có kết luận là động đất cực đại xảy ra ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 là cấp 7 (MSK 64) và gia tốc nền cực đại là 150cm/s2. Đơn vị tư vấn đã sử dụng con số này để thiết kế”, ông Liên nói.
Ông Liên cũng khẳng định chất lượng bê tông thi công đầm lăn đảm bảo, đạt yêu cầu.
Tuy nhiên chất lượng thi công xây dựng các khe nhiệt chưa đảm bảo, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ, thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công, một số thiết bị hư hỏng chưa được khắc phục kịp thời. Ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát.
Theo ông Nguyễn Tài Sơn, TGĐ Cty Tư vấn xây dựng điện: Đập Sông Tranh 2 trong mùa mưa lũ này không tích nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Vì đập không có xả đáy nên để xác định ở mức nước cao trình 161m (cửa tràn) có an toàn hay không trong mùa mưa lũ, phía đơn vị đã tính toán bổ sung tình trạng an toàn đập với động đất ở cao trình này.
Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị tư vấn khiến cử tọa ngỡ ngàng, khi khẳng định: “Ở cao trình 161m, đập Sông Tranh 2 có thể chịu được trận động đất khủng khiếp với gia tốc nền lên đến 350m/s2. Do đó có thể khẳng định rằng đập chịu được động đất cấp 9!. Nếu xảy ra động đất cấp 9 đập vẫn an toàn”.
Trích dẫn của trích dẫn
Liên quan kết luận “Không có động đất kích thích ở Sông Tranh 2”, cũng như việc “xào nấu” ý kiến của ông Lê Trần Chấn để đưa vào Báo cáo tác động môi trường, động đất đối với thủy điện này, ông Nguyễn Tài Sơn, cũng là người chịu trách nhiệm lập báo cáo, thừa nhận: “Trong báo cáo trên, chúng tôi trích dẫn ý kiến của anh Lê Trần Chấn. Ý kiến này anh Chấn lại trích dẫn từ khuyến cáo của tổ chức UNESCO mà anh Chấn nói tại một cuộc họp. Đây là do thiếu sót, trình độ chúng ta lúc ấy chưa biết, chưa từng có kinh nghiệm về động đất kích thích”.
Về sự trùng lặp giữa các báo cáo, ông Sơn cho rằng: Đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên nền địa chất lý tưởng không có đới đứt gãy như ý kiến của các nhà khoa học, báo chí đưa tin.
Việc giống nhau giữa các báo cáo tác động môi trường hiện nay là do tiêu chí áp dụng giống nhau. Hiện nay, chúng ta đang dùng những khuyến cáo của UNESCO với những tiêu chí của quốc tế, do chúng ta chưa có kinh nghiệm về động đất và động đất kích thích.
Đến công trình thủy điện Sông Tranh 2 khi áp dụng tiêu chí đó lại xảy ra động đất nên cần phải nghiên cứu tiếp. “Báo cáo tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2 không thể nói là sơ sài, mà phải nói do hạn chế của trình độ trí tuệ của chúng ta khi ấy”, ông Sơn nói.
Về phần mình, ông Lê Huy Minh – Phó Viện trưởng Viện vật lý địa cầu, phủ nhận phần trách nhiệm của Viện đối với câu kết luận ghi trong báo cáo trên, là “không có khả năng gây động đất kích thích” tại thủy điện Sông Tranh 2.
Theo ông Minh: “Trong giai đoạn nghiên cứu khả thi công trình này, Viện có nhận hợp đồng khảo sát động đất và đứt gãy địa chấn. Nhưng chỉ là tư vấn phần đánh giá động đất cực đại, còn các phần khác Viện không có trách nhiệm vì không được hỏi. Bởi vậy báo cáo này kết luận “không có động đất kích thích” mà lại dẫn theo Viện Vật lý địa cầu là sai hoàn toàn”.
Cũng theo ông Minh, việc báo cáo tác động môi trường 3 công trình thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đakmi 4 có nét giống nhau về đánh giá tác động động đất, là do 3 công trình này tương đối gần nhau nằm gần một đới đứt gãy nên đánh giá là giống nhau.
“Báo chí không kích động”!
Động đất và an toàn đập Sông Tranh 2 nóng cuộc họp báo . |
Liên quan đến vấn đề an toàn đập Sông Tranh 2, ông Trần Văn Được, Phó TGĐ Tập đoàn điện lực Việt Nam, khẳng định: Hiện nay các nhà tư vấn trong nước và ngoài nước đã đánh giá đập chịu đựng động đất cấp 9, các nhà khoa học khẳng định động đất không vượt quá 5,5 độ richter.
Do đó, việc sơ tán dân vùng hạ du không đề cập đến, vì tin tưởng rằng không thể có chuyện gì xảy ra với đập Sông Tranh 2!
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN tỏ ra cẩn thận hơn: “Đến nay khả năng xấu nhất do động đất kích thích là khó có thể xảy nhưng phải tính đến mọi tình huống. Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu tất cả các chủ đập thủy điện cả nước, kể cả Sông Tranh 2 phải xây dựng phương án phòng chống lũ, an toàn đập và tình huống vỡ đập để không bị động khi có tình huống xấu nhất”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi nếu có sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 thì trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào, cả ông Vượng và ông Liên đều không trả lời.
Ông Liên cho biết, thời gian tới, HĐNTNN sẽ cùng với bộ ban ngành lập một đội thường trực ngay tại đập Sông Tranh 2 trong mùa mưa lũ năm nay, đánh giá theo dõi an toàn đập, trạng thái đập để nếu có diễn biến bất thường còn kịp có biện pháp xử lý ngay.
Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết: “Nhà cửa của nhân dân hư hại vì động đất kích thích do tích nước hồ, trách nhiệm này không ai khác ngoài chủ đầu tư.
Chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại cho nhân dân, thể hiện trách nhiệm trước nhân dân để nhân dân bớt hoang mang lo sợ mặc dù động đất vẫn xảy ra. Cần thông tin phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các công trình thủy điện và động đất".
Ông Hải cũng cho biết, thời gian qua, nhờ báo chí mà vấn đề động đất và đập Sông Tranh 2 đã đưa ra dư luận. Ông Liên thì cho rằng, thời gian qua, có thông tin báo chí đưa tin bài chưa khách quan, thiếu trung thực. Ông Liên còn yêu cầu: “Báo chí không kích động”!
'Trong báo cáo trên, chúng tôi trích dẫn ý kiến của anh Lê Trần Chấn. Ý kiến này anh Chấn lại trích dẫn từ khuyến cáo của tổ chức UNESCO mà anh Chấn nói tại một cuộc họp. Đây là do thiếu sót, trình độ chúng ta lúc ấy chưa biết, chưa từng có kinh nghiệm về động đất kích thích” - Ông Nguyễn Tài Sơn nói.
Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.