Trở về trang đầu »
» Tỉnh Tiền Giang: Công chứng viên tiếp tay “kẻ cướp”?
Tỉnh Tiền Giang: Công chứng viên tiếp tay “kẻ cướp”?
Mặc dù đã kí hợp đồng sang nhượng và nhận đủ tiền trước đó 8 năm, nhưng vì tham nên ông Trần Văn Thuận đã lén lút làm thủ tục khai nhận đất với ý đồ chiếm đoạt... Song, điều đáng nói, thủ đoạn “ăn cướp” ấy lại được các công chứng viên nối giáo, tiếp tay...
Hành vi tráo trở…
Ngày 14-10-2001, bà Nguyễn Thị Triệu, trú tại 5A/2 đường Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh mua của ông Trần Văn Khương mảnh đất 2.163m2 tại xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho với giá 160 cây vàng. Hợp đồng mua bán được tất cả các thành viên trong gia đình ông Khương cùng kí tên.
Hơn 4 tháng sau (tháng 2-2002), ông Khương mất. Chiểu theo di chúc của ông (vợ ông Khương mất năm 2008, không để lại di chúc), ngày 29-12-2003, bà Triệu cùng ông Trần Văn Thuận (con trai ông Khương, ngụ tại 162/31 Phan Đăng Lưu, Phường 4, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) đến Văn phòng Luật sư kí giấy cam kết. Theo đó, ông Thuận nhận 50 cây vàng là tiền bán đất do bà Triệu giao theo Hợp đồng mua bán năm 2001 (như vậy, ông Thuận đã nhận đủ phần của mình theo di chúc, phần còn lại là của em gái ông - bà Hòa, tức Ya-su-ka-wa, bà này đã có giấy ủy quyền cho bà Triệu). Trước sự chứng kiến của luật sư, sau khi nhận đủ vàng, ông Thuận cam kết “không khiếu nại, tranh chấp gì đến lô đất và sẵn sàng kí tên trên các giấy tờ thủ tục để chuyển quyền sử dụng đất cho bà Triệu”. Đồng thời, giao đầy đủ sổ đỏ, di chúc cũng như những giấy tờ cần thiết khác cho bà Triệu.
Do mải làm ăn và tin vào cam kết nói trên của ông Thuận nên bà Triệu chưa vội làm thủ tục sang tên. Bỗng nhiên, tháng 7-2012, bà thấy mảnh đất của mình bị Nhà thờ Mỹ Tho rào lại. Tìm hiểu, được biết, ông Thuận đã kí thỏa thuận nhượng cho Nhà thờ toàn bộ mảnh đất này với số tiền 9,6 tỉ đồng. Để có tư cách nhượng đất, nhận tiền, ông đã đến Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang lập văn bản kê khai di sản thừa kế. Tại đây, ông khẳng định cha mình chết không để lại di chúc rồi đưa ra bản từ chối nhận di sản thừa kế của em gái (bà Hòa), kí ngày 26-8-2004.
...Đã được tiếp tay
Điều đáng nói, cho dù có tham lam, tráo trở đến mấy thì với thủ đoạn man trá khá sơ đẳng của ông Thuận cũng sẽ bị phát giác, ngăn chặn kịp thời nếu những công chứng viên tại Phòng Công chứng số 1 không “mù mờ”! Bởi lẽ, văn bản từ chối di sản thừa kế do bà Hòa lập ngày 26-8-2004, tức sau khi ông Khương chết 30 tháng. Trong khi, theo quy định tại Điều 645, Bộ luật Dân sự năm 1995 thì thời hạn khước từ quyền hưởng di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Vậy, nguyên nhân nào đã khiến công chứng viên Đồng Thị Hạnh (hiện giữ chức Phó Văn phòng HĐND tỉnh Tiền Giang) mạnh tay kí liều đến thế? Sau bà Hạnh, đến lượt công chứng viên Trình Thị Minh Hiền (hiện là Trưởng phòng Công chứng huyện Cai Lậy) cũng bị “lóa” nên nhanh chóng chấp nhận cái sai của đồng nghiệp (văn bản từ chối di sản thừa kế trái luật) cũng như sự kê khai gian dối của ông Trần Văn Thuận!
Rõ ràng, hành vi tráo trở (không thực hiện đúng cam kết sau khi đã nhận đủ phần giá trị trong khối di sản thừa kế) và gian dối (giấu nhẹm bản di chúc của cha đẻ, chỉ cho mình có 20% di sản) để khai nhận toàn bộ di sản của ông Thuận là hoàn toàn cố ý, có ý thức, bất chấp luân thường đạo lí. Sự coi thường kỉ cương phép nước ấy, không hiểu sao, lại dễ dàng “lọt” cửa Phòng Công chứng số 1 đến hai lần?
Bà Nguyễn Thị Triệu bức xúc: “Tôi đã nhiều lần điện thoại cho vợ chồng ông Thuận nhưng họ cố tình không cầm máy. Theo tôi, hành vi lật lọng, man trá của ông ta đã có những dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tôi mong các cơ quan chức năng cũng cần điều tra làm rõ các sai phạm của các công chứng viên Phòng Công chứng số 1 Tiền Giang,
MẠC HỒNG KỲ - NGUYỄN MINH HOÀNG (Người Cao Tuổi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.