Trở về trang đầu » » Huawei Trung Quốc nằm trong 'sổ đen' quốc tế

Huawei Trung Quốc nằm trong 'sổ đen' quốc tế

Hãng điện thoại di động Huawei Trung Quốc
Ngoài Mỹ, hiện nay Australia và Canada cũng đang tiến hành hàng loạt biện pháp tăng cường an ninh và điều tra hoạt động của một trong những tập đoàn công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới – Huawei.

Huawei là công ty sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 tại Trung Quốc và là một trong những công ty phát triển nhanh nhất thế giới, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1987.

Ban đầu, Huawei chỉ chuyên phân phối thiết bị viễn thông cho các tỉnh thành tại Trung Quốc. Sau đó, Huawei đã trở thành một công ty đa quốc gia, thiết kế và sản xuất mọi thứ từ ăng-ten cho điện thoại di động cho tới smartphone và chip máy tính.

Công ty này hiện đang thuộc quyền sở hữu của Ren Zhengfei.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Huawei đã thu được khoản lợi nhuận 32 tỷ USD trên thị trường toàn cầu và chỉ chịu đứng sau công ty thiết bị mạng lớn nhất thế giới - Ericsson của Thụy Điển. Song hiện nay, doanh thu của Huawei có nguy cơ sụt giảm mạnh do bị nghi ngờ can thiệp an ninh tại nhiều quốc gia.

Tại Anh, Ủy ban an ninh và tình báo thuộc nghị viện đang tiến hành điều tra mối quan hệ thương mại lâu dài giữa Công ty Viễn thông Anh (BT) và Huawei.

Chủ tịch Ủy ban an ninh và tình báo Anh - Malcolm Rifkind cho biết: "Ủy ban đang xem xét lại toàn bộ hoạt động của Huawei với những công trình kiến trúc cấu trúc hạ tầng quốc gia quan trọng nhằm kiểm chứng mức độ an ninh".

Trong nhiều tháng nay, Ủy ban an ninh và tình báo Anh đã thu thập những bằng chứng do các thành viên thuộc văn phòng an ninh cung cấp và cân nhắc việc tiến hành điều tra cũng như đưa ra khuyến cáo trước công chúng. Bản báo cáo cuối cùng sẽ được đệ trình lên thủ tướng Anh - David Cameron trước dịp Giáng sinh.

"Những bằng chứng ban đầu cho thấy công ty Huawei có mối liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc", ông Rifkind nói.

Huawei là công ty chuyên cung cấp thiết bị cho BT nhằm hiện đại hoá dịch vụ băng thông rộng cáp đồng. Đây được xem là bản hợp đồng có giá trị cao nhất mà một công ty của Trung Quốc như Huawei ký kết được với châu Âu vào năm 2005.

Huawei hiện là nhà cung cấp lớn cho thị trường băng thông rộng cáp quang của BT – một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất đang hoạt động tại đảo quốc sương mù.

Phát ngôn viên của Huawei khẳng định công ty này sẵn sàng trả lời những nghi vấn của Ủy ban anh ninh và tình báo Anh. "Chúng tôi đã hoạt động tại Anh từ năm 2001 dưới sự kiểm soát và tuân theo các thủ tục của chính phủ Anh. Chúng tôi cũng thường xuyên liên lạc với chính phủ Anh và luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi nghi vấn cũng như đàm thoại", phát ngôn viên của Huawei chia sẻ.

Cách đây 2 năm, Huawei đã thành lập trụ sở tại thị trấn Banbury – nơi thiết bị cung cấp cho BT và nhiều công ty khác được các nhân viên an ninh thử nghiệm và kiểm soát.

Ngay cả trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến cũng đang nằm trong danh sách đen của Australia. Đây là khu vực cung cấp mạng luới sợi cáp quang quốc gia mới cho Australia.

Ngay trong tuần này, Ủy ban quốc hội Mỹ đã đưa ra cảnh báo hoạt động của 2 công ty viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE có nguy cơ đe doạ trực tiếp tới an ninh của quốc gia này.
Chính phủ Canada cho rằng không loại trừ khả năng Huawei tham gia vào các dự án viễn thông cấp chính phủ nhằm mục đích đe dọa an ninh.

Nguy hiểm hơn là mạng lưới công nghệ của Huawei còn có khả năng liên quan tới hoạt động gián điệp. Theo Mỹ, Trung Quốc có thể đã sử dụng các thiết bị do công ty Huawei sản xuất thuộc quyền điều hành của ông Ren Zhengfei – một cựu nhân viên kỹ thuật thuộc tổ chức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc để theo dõi các hoạt động liên lạc và đe doạ tới toàn bộ hệ thống an ninh thông qua các đường liên kết trên máy tính.

Tuy nhiên, công ty Huawei đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới hoạt động gián điệp và tội phạm mạng.

Trong điều kiện hoạt động kinh doanh tại Mỹ bị giới hạn, Huawei đã tận dụng Anh làm bệ phóng để mở rộng thị phần tại châu Âu. Chính việc tăng cường sự hiện diện tại các thị trường quốc tế đã khiến Huawei trở thành đối thủ cạnh tranh của không ít các "ông lớn" châu Âu như Marconi của Anh, Nortel và Motorola của Mỹ, Alcatel-Lucent của Pháp và Nokia của Phần Lan.

theo MINH THU/Infonet
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us