Một binh sĩ thủy quân lục chiến Philippines tuần tra dọc vịnh Ulugan, hướng ra Biển Đông. Ảnh: AFP |
Nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng và trong vùng
biển được cho là có trữ lượng khoáng sản giá trị, bao gồm dầu mỏ, quần
đảo Trường Sa từ lâu đã trở thành tâm điểm tranh chấp trong khu vực.
Ngoài Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Brunei và Malaysia cũng có
tuyên bố chủ quyền chồng lấn toàn bộ hoặc một phần của Trường Sa.
Trung tướng Philippines Juancho Sabban nói việc triển
khai hai tiểu đoàn binh sĩ chỉ là một "biện pháp phòng thủ" và không nên
bị xem là hành động khiêu khích, theo AFP.
Ông cho hay một trụ sở lữ đoàn thủy quân lục chiến
cũng được thành lập gần tỉnh Palawan của Philippines, quay mặt ra Biển
Đông, "nhằm chỉ huy và kiểm soát" các lực lượng. Thủy quân lục chiến
nước này sẽ không đóng quân tại Trường Sa mà chỉ tuần tra gần khu vực
này.
Ông Sabban cáo buộc Trung Quốc liên tiếp củng cố công
trình tại các đảo thuộc Trường Sa mà Bắc Kinh chiếm đóng, dù hiện tại
"không bên tuyên bố chủ quyền nào có hành động gây hấn". "Chúng tôi
không ở đó để tạo ra tình huống dẫn đến một cuộc xung đột bất ngờ và leo
thang vấn đề khu vực", ông Sabban nhấn mạnh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông,
thậm chí cả vùng biển gần các nước láng giềng châu Á, trong sự phản đối
của các nước láng giềng.
Thông tin từ ông Sabban được đưa ra chỉ ít ngày sau
khi phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp với đặc sứ
Philippines và bày tỏ hy vọng cải thiện mối quan hệ song phương. Cuộc
gặp diễn ra nhiều tháng sau khi căng thẳng giữa hai nước tại bãi cạn
Scarborough/Hoàng Nham, nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa trên Biển
Đông, tạm lắng xuống.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc cho biết đang đẩy
mạnh việc xây dựng trái phép các công trình hạ tầng tại cái gọi là khu
hành chính Tam Sa. Địa điểm xây dựng là đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam. Các công trình xây dựng gồm nhà máy cấp nước
thoát nước, nhà máy khử mặn, đường sá và bến tàu. Tổng đầu tư dự kiến là
3 triệu USD.
Theo Anh Ngọc VNExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.