Trở về trang đầu » » HIỆP SĨ MÙ NGUYỄN ĐỨC BÌNH: Chủ thuyết chính trị Việt Nam trong thời đại ngày nay

HIỆP SĨ MÙ NGUYỄN ĐỨC BÌNH: Chủ thuyết chính trị Việt Nam trong thời đại ngày nay


QĐND - Chỉ có chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa duy vật lịch sử mới có thể giúp nhận thức thâm nhập sâu vào bên trong quá trình lịch sử, từ đó phát hiện ra lô -gích của lịch sử và trên cơ sở đó mới giúp nhận thức tái hiện được một cách thật sự khoa học bản chất các thời đại lịch sử xã hội thế giới. Chủ nghĩa Mác xuất phát từ chỗ, trong hoạt động sản xuất xã hội, con người không chỉ có quan hệ với tự nhiên mà còn có những quan hệ nhất định, tất yếu với những con người khác, tức quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hợp thành phương thức sản xuất, tạo nên cơ sở kinh tế trên đó mọc lên kiến trúc thượng tầng chính trị, tư tưởng, pháp luật, văn hóa v.v.. Và chính biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là động lực cơ bản của sự vận động lịch sử, là nguồn gốc sâu xa của các cuộc cách mạng xã hội, đưa đến sự chuyển biến từ hình thái kinh tế -xã hội này lên hình thái kinh tế -xã hội khác cao hơn. Lý luận mác -xít về 5 hình thái kinh tế -xã hội chính là kết quả khái quát quá trình vận động tiến lên của lịch sử thế giới, là lô -gích của lịch sử xét trên quy mô toàn cầu thế giới (tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ). 
Lịch sử thế giới không gì khác là lịch sử ra đời, phát triển, rồi suy vong của các hình thái kinh tế -xã hội, là lịch sử thay thế lẫn nhau hợp quy luật giữa các hình thái kinh tế -xã hội từ thấp lên cao. Đó chính là cơ sở khách quan, khoa học, cơ sở thực tiễn và lý luận để nói về thời đại, để xác định các thời đại lịch sử. Bàn về thời đại lịch sử xã hội, do đó, không thể không xuất phát từ cách tiếp cận hình thái kinh tế -xã hội. Phương pháp tiếp cận này không đối lập, không loại trừ phương pháp tiếp cận theo nền văn minh, trái lại chúng bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Chẳng phải Ph.ăng -ghen đã từng đề cập tới thời đại mông muội, thời đại dã man, thời đại văn minh trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước đó sao! Tuy hai phương pháp tiếp cận hình thái và tiếp cận theo nền văn minh có thể bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng khi bàn về thời đại lịch sử xã hội thế giới thì căn bản phải dựa vào phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế -xã hội, dựa vào phương pháp luận duy vật lịch sử, phương pháp khoa học duy nhất, không gì có thể thay thế.
Định nghĩa thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội dựa chắc trên cơ sở phương pháp luận khoa học đó.
III- Tiếp tục đi con đường thời đại, kiên định, đổi mới, sáng tạo
ý kiến bác bỏ sự khẳng định rằng, thời đại chúng ta vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, là một bước lùi về lập trường chính trị cơ bản, một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bởi vì, nếu thời đại hiện nay không còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới nữa, thì đất nước Việt Nam chúng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam từ nay sẽ đi theo con đường nào? Và nếu vậy, thì phải chăng Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lỗi thời, không còn căn cứ thời đại!
1- "Chuyển đổi" sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có "kiến nghị" như thế. Tuy nhiên, nhân dân không thể đồng tình. Đúng là sau thảm họa sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông âu, chủ nghĩa tư bản căn bản chiếm lĩnh phần lớn trận địa thế giới. Nhưng vận mệnh và tiền đồ chủ nghĩa tư bản sẽ như thế nào?
Chủ nghĩa tư bản đã có lịch sử 500 năm. Nó đã có đóng góp to lớn cho lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra lực lượng sản xuất không những đồ sộ mà ngày càng hiện đại, tinh xảo, tinh vi, những máy móc "thông minh", những vật liệu, năng lượng kỳ diệu v.v.. Với nền đại công nghiệp, nó đã tạo ra thị trường thế giới thay cho tình trạng biệt lập trước đó của các địa phương và các dân tộc vốn trong nền kinh tế tự cung tự cấp. Do xâm chiếm thuộc địa, bóp nặn thị trường thế giới, chủ nghĩa tư bản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính thế giới. Chính chủ nghĩa tư bản đã có công làm cho lịch sử biến thành lịch sử thế giới. Nhưng đó là thế giới gì?
Trước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đó toàn thị là thế giới tư bản bao gồm các "chính quốc" và cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Từ sau Tháng Mười năm 1917 đến 1991, thế giới phân chia thành hai hệ thống đối lập. Sau khi mô hình của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông âu giải thể, chủ nghĩa tư bản chiếm lĩnh đa phần thế giới, bản đồ chính trị thế giới thay đổi căn bản. Lịch sử phải chăng "kết thúc" ở chủ nghĩa tư bản, tột đỉnh của văn minh loài người? Thực tiễn thế giới "hậu Xô -viết" đã sớm bác bỏ kết luận sai lầm ấy. Một điều cần ghi nhận: Ngày nay, ít ai còn mang ảo tưởng chủ nghĩa tư bản sắp chết đến nơi. Nhưng, rõ ràng là số người tin tuyệt đối vào sức sống vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản cũng ngày càng ít dần. Xem ra đa số đánh giá: Chủ nghĩa tư bản còn lâu mới tiêu vong nhưng cuối cùng nhất định không tránh khỏi tiêu vong.
Thật ra sức sống còn lại của chủ nghĩa tư bản mà đôi khi có người choáng ngợp, một phần do nó vốn chưa thật cạn kiệt, còn một phần rất quan trọng là do những yếu kém, sai lầm dẫn đến sụp đổ cay đắng một mảng lớn chủ nghĩa xã hội hiện thực. Một sự thật nữa cũng đáng lưu ý là tâm trạng hoan hỉ của phương Tây trước sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là nhất thời. Sau đó, khi không còn địch thủ đáng gờm phải đối mặt, thì những đầu óc ít nhiều tỉnh táo, sáng suốt của các học giả và chính khách phương Tây bình tĩnh quay về nhìn lại bản thân chủ nghĩa tư bản, đã kịp thời cảnh báo: Coi chừng nguy cơ đe dọa vận mệnh của chủ nghĩa tư bản vốn không phải từ phía chủ nghĩa xã hội, từ Liên Xô, mà chính từ ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Rõ ràng, chủ nghĩa tư bản cũng đang "tự phản tỉnh", "tự phê phán", đang thấy khó mà tự duy trì nếu không có phép gì màu nhiệm hơn những phép đã dùng gần như cạn kiệt để tự điều chỉnh, thích nghi. Những khái niệm "xã hội hậu tư bản", hay "chủ nghĩa tư bản mới", "chủ nghĩa tư bản nhân dân" v.v.. mà một số học giả phương Tây ưa dùng nói lên hai mặt. Nó vừa là một sự ngụy biện rằng, chủ nghĩa tư bản đã không còn là chủ nghĩa tư bản nữa vì nó không còn bóc lột; vừa là -về khách quan -mặc nhiên thừa nhận chế độ tư bản đích thực, truyền thống, nguyên xi như bản thân nó đã hết lý do tồn tại, đã hết khả năng tự biện minh. Có nghĩa là, bản thân các nhà tư tưởng tư sản cũng đã mất niềm tin ở chính chủ nghĩa tư bản, đã mặc nhiên và gián tiếp phải nói đến một chế độ mới đang gõ cửa chủ nghĩa tư bản. Qua các cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế vừa diễn ra, một số chính khách lớn phương Tây cũng dao động, giảm sút niềm tin ở chính chủ nghĩa tư bản. Tổng thống Pháp N.Xác -cô-di phải nói đến cải tổ chủ nghĩa tư bản và "đạo đức hóa" chủ nghĩa tư bản! ông ta có bức ảnh chụp đang đọc "Tư bản luận" của C.Mác. Bộ trưởng Tài chính Đức đang tìm hiểu chủ nghĩa Mác mong tìm lối ra cho khủng hoảng. Một đạo diễn người Đức có ý định làm phim về C.Mác. Một số học giả Mỹ và châu âu nói "chủ nghĩa tư bản đang ở thế thoái trào". Dẫn ra những hiện tượng trên,Nhật báo Kinh tế Thụy Điển khẳng định: "Chính do khủng hoảng hiện nay mà sự hồi sinh chủ nghĩa Mác trở thành tất yếu". Tất nhiên, chúng ta không ảo tưởng rằng họ đã đi đến từ bỏ chủ nghĩa tư bản.
2- Vậy là thế giới đổi thay, nhưng thời đại không thay đổi. Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta, nhất quyết tiếp tục đi con đường thời đại -con đường xã hội chủ nghĩa. Với tư tưởng kiên định nhưng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp những thay đổi của thực tiễn thế giới đang không ngừng thay đổi.
Nắm vững thời đại không thể dừng lại ở bản chất thời đại nói chung, mà trong mỗi thời điểm lịch sử cần nhận rõ cách mạng đang đứng ở đâu, ở thời kỳ nào, với những đặc điểm gì. Mặt khác, không thể chỉ thấy hiện tại mà không thấy triển vọng, không thể chỉ thấy trước mắt mà không thấy xu thế cơ bản lâu dài, không thể chỉ thấy cục bộ mà không thấy toàn cục. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 đã sáng suốt chỉ ra một tầm nhìn, một tư tưởng chiến lược cơ bản rất đúng đắn, sâu sắc: "Chủ nghĩa xã hội hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử".
Mâu thuẫn cơ bản nhất của thời đại ngày nay là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại, nhưng hình thái biểu hiện đã khác trước nhiều. Đó không còn là mâu thuẫn giữa hai hệ thống thế giới đối lập, nhưng cũng không phải sau khi chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ một mảng lớn, thì mâu thuẫn đó biến mất. Ngoài một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại, khá có trọng lượng, phải kể đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập và chủ quyền dân tộc, vì dân chủ và tiến bộ xã hội. Những phong trào này vẫn là lực lượng xã hội chủ nghĩa hoặc đồng minh tự nhiên của chủ nghĩa xã hội.
Hơn nữa, cần tính đến những yếu tố mầm mống đang tồn tại trong lòng chủ nghĩa tư bản mà xu hướng khách quan của chúng là ngày càng lớn lên theo chiều phủ định những quan hệ tư bản chủ nghĩa. Học thuyết duy vật lịch sử chứng minh rằng, sự phát triển của loài người, sự chuyển biến từ hình thái kinh tế -xã hội này sang hình thái kinh tế -xã hội khác, suy đến cùng, luôn được thực hiện trên cơ sở phát triển nền sản xuất vật chất và lực lượng sản xuất của xã hội. ở giai đoạn hiện nay, sự phát triển rất cao của lực lượng sản xuất dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang sinh ra những xu hướng phát triển về khách quan mang tính đối kháng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời tự phát tạo ra những cơ sở và tiền đề dẫn tới chế độ mới -chế độ xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, chế độ xã hội mới không thể ra đời mà không thông qua những biến đổi cách mạng về chế độ chính trị dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng phương pháp này hay phương pháp khác, đấu tranh vũ trang hay bạo lực hòa bình, đấu tranh nghị trường kết hợp nổi dậy của quần chúng.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất ở giai đoạn xã hội hóa ngày càng cao hiện nay đang thúc đẩy những quá trình tập trung, sáp nhập, liên kết ngày càng cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên quy mô thế giới, không chỉ về lực lượng sản xuất mà cả sở hữu tư bản thành những hình thức "chủ nghĩa tư bản tập đoàn" của các nhà tư bản kếch xù, thậm chí siêu quốc gia.
Rõ ràng, cái vỏ tư nhân tư bản chủ nghĩa đã quá chật chội so với nội dung sức sản xuất đồ sộ mà nó chứa đựng; thậm chí quá chật chội cả với hình thức sở hữu tư bản độc quyền tư nhân. Chính chủ nghĩa tư bản -một cách khách quan -đang tự phủ định mình và đang "làm việc" chuẩn bị cho tương lai chủ nghĩa xã hội.
Từ tính chất xã hội hóa cao của sản xuất và lực lượng sản xuất, cũng xuất hiện trong các nước tư bản phát triển ngày càng nhiều nhân tố mầm mống của những quan hệ xã hội tương lai. Chẳng hạn, các công ty cổ phần trong đó có sự tham gia của người lao động vào sở hữu và quản lý. Hình thức công ty cổ phần có loại thuộc những "nhà tư bản tập thể" (Ph.ăng -ghen) hoặc "trực tiếp mang hình thái tư bản xã hội… đối lập với tư bản tư nhân" (1); có loại "nửa nọ nửa kia", một nửa thuộc các chủ tư bản vừa và nhỏ, một nửa cổ đông là những người lao động. Những xí nghiệp cổ phần tư bản chủ nghĩa, cũng như những nhà máy hợp tác, theo C.Mác, đều phải được coi là những hình thái quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sang phương thức sản xuất tập thể. Lại có những doanh nghiệp tự quản thuộc sở hữu của những người lao động. Ví dụ, ở Mỹ có tài liệu cho biết hơn 11 triệu người lao động đang là đồng sở hữu những doanh nghiệp này; ở Thái Lan và nhiều nước tư bản Bắc âu, hợp tác xã của những người lao động rất phổ biến trong nông nghiệp, trong thương nghiệp, trong vận tải v.v.. Vậy là, tình hình diễn ra đúng như V.I.Lê -nin từng hình dung: Ngày nay thì chủ nghĩa xã hội nhìn sang chúng ta từ tất cả các khung cửa chủ nghĩa tư bản hiện đại; chủ nghĩa xã hội đang hiện ra trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở chủ nghĩa tư bản hiện đại ấy.
Một câu hỏi thường được nêu ra hiện nay là, phải đánh giá thế nào về chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa? Có người cho rằng, chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay có sức sống hơn bao giờ hết. Nhận định ấy nhiều lắm chỉ đúng một nửa, còn một nửa không đúng, lại là cái nửa thuộc bản chất của sự vật và quá trình. Toàn cầu hóa khi vai trò chủ đạo thuộc chủ nghĩa tư bản thì về bản chất là một quá trình đầy mâu thuẫn, một quá trình vừa hợp tác, liên kết, vừa đấu tranh, trong sâu xa là cả một cuộc đấu tranh giữa một bên là quyền lực và lợi ích chi phối, thao túng của những thế lực tư bản quốc tế, các nước lớn tư bản chủ nghĩa, với một bên là chủ quyền và lợi ích của các quốc gia dân tộc. Đó là mâu thuẫn ngay giữa các nước tư bản chủ nghĩa, giữa các tập đoàn tư bản với nhau. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng của cải với phân phối không công bằng dẫn tới phân cực giàu nghèo ngày càng tăng giữa các quốc gia và trong mỗi nước, giữa trung tâm với ngoại vi, giữa phương Bắc với phương Nam, phân cực giàu nghèo ngày càng tăng ngay trong lòng các nước tư bản phát triển. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với tình trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội. Đó là mâu thuẫn giữa hợp tác với đấu tranh. Đã hội nhập thì có hai mặt, vừa cạnh tranh quyết liệt mà vẫn phải hợp tác, bản thân hợp tác cũng lại là đấu tranh, là kết quả của đấu tranh. Một mâu thuẫn nữa đặc trưng cho các nước như Việt Nam là ngoài độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, còn có con đường xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn với toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản khống chế, với sức ép đi con đường tư bản chủ nghĩa bằng tự do hóa, tư nhân hóa kinh tế, dân chủ, nhân quyền, truyền bá tư tưởng phản động, từ đó chuyển hóa dần tổ chức, cán bộ và chế độ chính trị. Cùng với những mâu thuẫn xã hội nói trên, ngày càng nổi lên một mâu thuẫn lớn giữa xã hội với giới tự nhiên biểu hiện ở hiểm họa ngày càng tăng đối với đời sống con người do ô nhiễm và tàn phá môi trường sống, hậu quả của cuộc chạy đua vì lợi nhuận mà thủ phạm chính là các lực lượng thị trường tư bản chủ nghĩa hoặc chạy theo chủ nghĩa tư bản.
Toàn cầu hóa kinh tế, xét trên tầm nhìn rộng và lâu dài, xét về xu thế tương lai mà nó mở ra, là một nhân tố quan trọng của tiến bộ lịch sử, bởi lịch sử xã hội loài người, suy cho cùng, là từ trình độ kỹ thuật này tiến lên trình độ kỹ thuật khác, từ sức sản xuất thấp đến sức sản xuất cao, đưa đến những nấc thang cao hơn của tiến bộ xã hội và khiến "lịch sử càng biến thành lịch sử thế giới" (C.Mác), mà đỉnh cao sẽ là xã hội cộng sản văn minh. Thế nhưng, toàn cầu hóa hiện nay đang do chủ nghĩa tư bản chủ đạo là một quá trình đầy mâu thuẫn như đã đề cập.
Tóm lại, về phương diện lý thuyết, chủ nghĩa tư bản giai đoạn toàn cầu hóa tưởng như có thêm sức sống, nhưng không thể kéo dài mãi vận mệnh của nó như suy luận của một số người; trái lại, chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa ngày càng tích lũy thêm mâu thuẫn mới trên phạm vi toàn cầu cho tới khi mâu thuẫn tích tụ tới đỉnh điểm. Biện chứng "vật cực tắc phản" (Lão Tử) tất sẽ đưa chủ nghĩa tư bản đến chỗ diệt vong, đến chỗ được thay thế bằng chế độ xã hội mới tiến bộ, văn minh hơn. Có thể đến ngày nào đó, giả thuyết của C.Mác về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong hàng loạt nước sẽ có cơ hội dễ hình dung hơn. Đồng thời, với hệ thống thế giới toàn cầu hóa phát triển rất không đều và đầy rẫy những bất bình đẳng, bất công và bất trắc, lý thuyết của V.I.Lê -nin về khả năng bùng nổ cách mạng trước hết ở những "khâu yếu trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc" càng có cơ sở. Xu thế tả hóa và hướng đến "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" đang nổi lên ở các nước Mỹ La -tinh là một điển hình nổi bật thức tỉnh nhiều người, và chắc chắn sẽ còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong tạp chí Die Woche của Đức, số ra ngày 28-1-2000, tác giả Jan Puhl đã viết: "Trong vòng 20 năm qua, sự bần hàn và sự thừa thãi luôn đồng hành. Sự chênh lệch ngày càng tăng có thể trở thành ngòi nổ đối với nền dân chủ (=chế độ tư bản) trên phạm vi toàn cầu". Theo ông, "quá trình toàn cầu hóa đã hợp nhất những người vô sản trên toàn thế giới vào cuộc đấu tranh mang tính toàn cầu".
Chủ tịch Câu lạc bộ Rô -ma, ông Ricardo Diez Hochleitner (người Tây Ban Nha) đã viết: "Nghèo đói không chỉ là một vấn đề nghiêm trọng đối với những người bị đụng chạm trực tiếp. Khi tình trạng bần cùng hóa vẫn tiếp diễn như hiện nay, thì có nguy cơ sẽ nổ ra một cuộc cách mạng có thể đụng chạm đến các nước giàu. Khi khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng, thì một ngày nào đó có thể sẽ xuất hiện một ông Mác và một ông Lê -nin mới với khẩu hiệu "Những người nghèo trên toàn thế giới hãy liên kết lại". (Thông tin tư liệu số 7-2000 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
IV- Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường đã lựa chọn
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác, hoàn thành giải phóng dân tộc, đưa cả nước quá độ từng bước lên chủ nghĩa xã hội thông qua kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, không bảo thủ, giáo điều, chủ quan, duy ý chí.
ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khách quan lịch sử mà nói, một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài.
Trong khi khẳng định chỗ mạnh cơ bản của chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam, bên cạnh nhiều thuận lợi lớn, chúng ta vẫn không quên rằng trên con đường đi tới đích còn vô vàn khó khăn và thách thức phải đối mặt, thậm chí có những nguy cơ tiềm ẩn không thể xem thường. Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội khóa VII (tháng 1-1994) nêu lên còn đó, bây giờ nhắc lại cũng không thừa. Có nguy cơ được giảm thiểu chừng nào, có nguy cơ vẫn giữ nguyên, có nguy cơ tăng thêm, và xem ra 4 nguy cơ còn kết chặt với nhau hơn. Với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về chỉnh đốn Đảng, cực kỳ quan trọng trong thực hiện Di chúc Bác Hồ nhưng qua nhiều lần tổng kết cho thấy việc thực hiện chưa đạt yêu cầu. Nay Nghị quyết Trung ương 4 (Đại hội XI) đang tích cực triển khai để kiên quyết thực hiện kỳ được.
Đi đôi với chống các nguy cơ, hoạt động cơ bản của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay và lâu dài phải hướng chủ yếu vào xây dựng, sáng tạo. Về độc lập dân tộc còn vấn đề không? Còn và còn từ hai mặt chiến lược gắn kết với nhau là vừa bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, vừa xây dựng, phát triển đất nước. Phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc, và phải nhớ lời dạy của Bác Hồ: Độc lập rồi mà dân không được tự do, ấm no, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Nghĩa là, theo Bác, phải xây dựng cho được chủ nghĩa xã hội mới có độc lập dân tộc thực sự và vững bền.
Độc lập dân tộc ngày nay phải dựa trên căn bản kinh tế. Kinh tế không mạnh thì quốc phòng tất nhiên cũng yếu. Nước ta vốn là nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển. Tình trạng này nếu không được vượt qua thì rồi độc lập dân tộc cũng lâm vào nguy cơ. Ngay bây giờ, dù đã qua bao công sức xây dựng và đổi mới nhưng kinh tế nước ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng gia công, lắp ráp, "làm thuê" cho nước ngoài. Ta chưa có nền công nghiệp chế tạo, chế biến công nghiệp nặng sản xuất tư liệu sản xuất với công nghệ cao, trong khi thế giới đang đi vào kinh tế hậu công nghiệp, kinh tế tri thức, kinh tế toàn cầu. Trong điều kiện đó, nếu không bứt phá lên thật nhanh thì kinh tế nước ta còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, không thể nào có độc lập tự chủ chẳng những về kinh tế mà cả về các mặt khác, ngay cả mặt chính trị. Có người nói trong toàn cầu hóa đa mô hình thì định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là một. Không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa xã hội cũng như không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa tư bản. Bởi vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đích thực đã tìm rất nhiều mô hình để có thể tổng tích hợp vào nhau. ý kiến này thật quá mơ hồ.
Toàn cầu hóa hiện nay đang do chủ nghĩa tư bản chủ đạo là một quá trình đầy rẫy những mâu thuẫn như đã nói ở các phần trên, nhưng không nước nào có thể đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa. Nước ta đã và đang chủ động tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu với ý thức đầy đủ tranh thủ mặt lợi, tránh những tác động tiêu cực, có hại. Tuyệt đối hóa một cách phiến diện mặt nào cũng không đúng. Về mặt tích cực, nước ta thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ cho được lợi thế của nước đi sau, kế thừa cho được những thành quả văn minh loài người được tạo ra dưới chế độ tư bản. V.I.Lê -nin sẵn sàng đổi một tá người cộng sản không biết làm việc lấy một chuyên gia tư sản giỏi và Người chỉ cho nước Nga: "Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô -viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ -rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc.etc. + + ? (tổng số, tổng kết lại) = chủ nghĩa xã hội" (2). Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế ngày nay, tư tưởng đó của V.I.Lê -nin có điều kiện thực thi rộng rãi chưa từng có nhất là đối với các nước lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có nước ta.
So với các nước phát triển, ở các nước kém phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa bắt đầu có thể tương đối dễ, nhưng để đưa đến đích cuối cùng, trọn vẹn chủ nghĩa xã hội, thì khó khăn hơn rất nhiều. Nước ta, trải qua những cách làm sai trước thời kỳ đổi mới (1986), đã đem lại những bài học thấm thía cho thấy không được ảo tưởng, chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan.
Trọng tâm trong chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam hiện nay là quá độ từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với những nước lạc hậu về kinh tế, V.I.Lê -nin nhấn mạnh thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là rất lâu dài, rằng trong cả thời kỳ quá độ phải có hàng loạt bước quá độ. Rõ ràng, với nền kinh tế nhiều thành phần, nước ta phải trải qua rất nhiều bước đẩy mạnh lực lượng sản xuất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phải trải qua nhiều bước cụ thể, thích hợp, vững chắc xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất mới, từ đó mới có được phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đích thực. Đi đôi với nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phải đẩy rất mạnh, thậm chí đi trước một bước trong phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài để thúc đẩy phát triển kinh tế.
                                                           *
                                                        *    *
Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt từng được thử thách của đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định thực hiện thành công chủ thuyết chính trị cách mạng và phát triển vĩ đại đã được lịch sử dân tộc lựa chọn. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh "dĩ bất biến ứng vạn biến", kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo và thông minh tính kiên định về nguyên tắc và mục tiêu không thay đổi với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp, đáp ứng tình hình quốc tế và đất nước giai đoạn đầy biến động nhanh và khôn lường hiện nay - đó là bí quyết thành công trong sự nghiệp vĩ đại thực hiện chủ thuyết chính trị của Đảng ta và dân tộc ta.
GS Nguyễn Đức Bìnhnguyên ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
(Tiếp theo và hết)
(1). C.Mác và Ph.ăng -ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, phần I, t25, tr.667
(2). V.I.Lê-nin, toàn tập, t.36, tr.684

Theo QĐND
Giới thiệu bài nầy :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us