Mộc Lan (Đàn Chim Việt)
Bài viết “Bài học nào từ đảng Việt Tân”(1) của tôi có được một phản hồi đáng chú ý, “Trả lời một phần câu hỏi ‘Bài học nào từ đảng Việt Tân’”, bài viết ký tên Hoàng Cơ Định, đăng trên “dinhhoanghstsvn.blogspot.com”.
Nói “trả lời...” nhưng sau khi đọc tôi chỉ càng thắc mắc nên thấy cần viết thêm. Thắc mắc - như tựa bài viết - là, “Hiện nay có bao nhiêu đảng Việt Tân?”
Trong bài trước, tôi có nhắc đến 2 tổ chức chính trị được nhiều người gọi một cách không chính thức là nhóm “Việt Tân - Trần Xuân Ninh” (hay “Việt Tân nguyên trạng”) và nhóm “Việt Tân - Đỗ Hoàng Điềm” (hay “Việt Tân cải cách”). Cách gọi này làm tác giả Hoàng Cơ Định không hài lòng. Ông viết:
Trong lần này tôi chỉ xin góp ý vào 1 phần trong bài là phần đề cập tới nhóm được tác giả mệnh danh là “Việt Tân Trần Xuân Ninh” hoặc “Việt Tân Nguyên Trạng”. Điểm này nên được làm sáng tỏ, vì sớm muộn Việt Nam cũng phải theo thể chế đa đảng và người dân VN cần phải có một khái niệm hợp lý về thế nào là một chính đảng, khi nào 1 đảng bị tách làm hai và khi nào chỉ là một vài cá nhân rời khỏi 1 tổ chức.
BS Trần Xuân Ninh trước đây là một cán bộ cao cấp của đảng Việt Tân, vì bất đồng BS Ninh đã rời Việt Tân vào năm 2005, ông đã lập ra một tổ chức mới có tên là “Tâm Thức Việt Nam”. Tổ chức này có đường lối, có tiếng nói và chưa bao giờ họ tự mệnh danh là “Việt Tân Trần Xuân Ninh” hay “Việt Tân Nguyên Trạng”. Tại sao lại đặt tên cho họ, một loại tên không phản ánh đúng sự thực và có tác dụng tạo mâu thuẫn giữa BS Ninh và những người trong tổ chức “Tâm Thức Việt Nam” và giữa ông Trần Xuân Ninh và tổ chức cũ của ông là đảng Việt Tân.
Như một người không biết nhiều về tiến trình đảng phái đã diễn ra trong cộng động người Việt tại hải ngoại, khi gọi “Việt Tân - Trần Xuân Ninh” và “Việt Tân - Đỗ Hoàng Điềm”, tôi đã dùng cách gọi của nhiều tác giả đi trước và qua nhiều bài viết có sẵn. Thật sự, tôi không hề đoán được cách gọi như thế sẽ làm cho ai đó không vui.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn biết cho rõ ràng về câu chuyện “chia đôi Việt Tân” nên lên Net tìm thêm. Và dưới đây là trích đoạn của một bài viết nhan đề “Buổi giới thiệu đặc tập Những ưu tư về Việt Tân Chệch hướng và hội thảo về hiện tình đất nước tại Adelaide”, đăng trên website “Tâm Thức Việt Nam”:
Vào tối thứ sáu ngày 16/8/2006 tại hội trường “Theatre Art and Function Complex” Angle Park, buổi giới thiệu đặc tập “Những ưu tư về Việt Tân Chệch hướng” và hội thảo về hiện tình đất nước tại Adelaide do thuyết trình viên bác sĩ Trần Xuân Ninh (TXN) và Luật sư Hoàng Cơ Long (HCL) trình bày [...]
Luật sư Long cũng tóm lược sơ qua về cuộc Hội Nghị Đồng Tâm diễn ra vào cuối tháng 5/2006 tại Bắc California. Qua hội nghị đó tất cả những đảng viên của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng một lần nữa trước bàn thờ Tổ Quốc và vong linh những c/h đã hy sinh nguyện trung thành đi tiếp con đường đấu tranh chính thống của đảng mà chiến hữu cố chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã đưa ra là đấu tranh giải thể chế độ độc tài CSVN rồi mới canh tân đất nước. Để phân biệt với Việt Tân chủ trương giải phóng và canh tân đất nước dưới chế độ CSVN, những đảng viên trung thành với đường lối của chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã dùng danh xưng gọi tắt là Đảng Cách Mạng Việt Tân. Luật sư Hoàng Cơ Long cũng giới thiệu cùng đồng bào hai đại diện chính thức của đảng Cách Mạng Việt Tân là bác sĩ Trần Xuân Ninh và cá nhân ông. Ông cho biết là ở trong hoàn cảnh đấu tranh đối đầu với bạo lực cho nên đảng Cách Mạng Việt Tân (CMVT) không có nhu cầu công khai nhân sự […]
Nếu bài viết trên nói đúng thì ông Trần Xuân Ninh và ông Hoàng Cơ Long quả đã thành lập một đảng lấy tên là “Đảng Cách Mạng Việt Tân”. Như thế suy ra “Tâm Thức Việt Nam” là đài phát thanh của đảng Cách Mạng Việt Tân, cũng như “Chân Trời Mới” là đài phát thanh của đảng Việt Tân.
Tại sao lấy tên “Đảng Cách Mạng Việt Tân”?
Theo tôi hiểu thì là vì đảng Việt Tân đã bỏ chữ “Cách Mạng” khi dịch sang tiếng Anh tên “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng”. Theo “viettan.org” - phần tiếng Anh - giới thiệu: Viet Tan (Vietnam Reform Party) (Vietnamese: Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng or Việt Tân in short).
Như vậy tên tiếng Anh của đảng Việt Tân chỉ có chữ “Canh Tân, Reform” mà không có chữ “Cách Mạng, Revolution”. Như thế, ông Trần Xuân Ninh sau khi bị đảng của ông khai trừ đã đứng ra thành lập một đảng mới, cũng lấy tên Việt Tân nhưng thêm chữ “Cách Mạng”.
Không lẽ tác giả Hoàng Cơ Định không biết những chuyện này hay sao?
Ông Hoàng Cơ Định còn tỏ ra không vui khi bên ông Ninh thường hay chỉ trích Việt Tân bên ông. Ông viết:
Nếu có ai để ý theo dõi tài liệu của đảng Việt Tân trong những năm qua, thì sẽ không thấy bài nào công kích hay phê bình Bs Ninh, vì VT không chủ trương như vậy; nhưng, như vừa nói ở trên, đáng tiếc là BS Trần Xuân Ninh đã quay trở lại kịch liệt công kích tổ chức ông đã rời bỏ. Có lẽ đây cũng chỉ là phản ứng như một số người khác, công kích tổ chức cũ (dù đúng hay sai) vẫn thường là một cách để biện minh cho sự ra đi của mình.
Điều này thì tôi - một người thường nghe cả Tâm Thức Việt Nam và Chân Trời Mới - đồng ý là có thật. Các bài chỉ trích Việt Tân vẫn còn được lưu trữ trong trang TTVN. Có thính giả cũng từng đặt vấn đề với ông Trần Xuân Ninh, hỏi tại sao ông Ninh cứ đi “nói xấu” bên kia. Ông Ninh trả lời đó không phải là nói xấu, vì ông có nói sau lưng đâu, ông lên đài nói cho mọi người nghe để mọi người biết mà để ý coi chừng.
Nếu được hỏi cảm tưởng của tôi về hai phía “Ông Ninh” và Ông Định”, tôi xin thưa rằng: Điều mình nói nếu không có cơ sở, lập luận vững chắc sẽ không có sức thuyết phục. Người thường xuyên theo dõi tình hình thường có trí nhớ không dở, họ biết so chiếu chuyện ngày hôm nay với chuyện ngày hôm qua để nhận xét. Đó là chưa kể sự lưu trữ tuyệt diệu của Internet, giúp người ta kiếm ra mọi thứ chỉ trong vài cái nhắp chuột.
Hai mục tôi thích nghe nhất từ hai phía là mục Hội Luận với ông Lý Thái Hùng (Radio “Chân Trời Mới”) và Phỏng Vấn ông Trần Xuân Ninh (Radio “Tâm Thức Việt Nam”). Ông Lý Thái Hùng có giọng nói điềm tĩnh, cách trình bày ngắn gọn, rõ ràng. Còn ông Trần Xuân Ninh giọng nói lạnh lùng, trình bày vấn đề với vẻ quyết đoán nghe khá... chảnh. Tuy nhiên, vì ông Ninh trả lời theo câu hỏi người khác đặt ra nên sinh động, tự nhiên hơn ông Hùng. Ông Ninh cũng hay cười hơn và đôi khi vặn hỏi lại người phỏng vấn cứ như bác sĩ đang khám bệnh!
Thành thật, tôi không quan tâm đến những chuyện xích mích, cãi vã giữa hai nhóm Việt Tân và Cách Mạng Việt Tân. Thành thật, có nhiều điều thu hút sự quan tâm của tôi hơn, nhất là trong tình hình sôi động hiện nay của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Trở lại câu hỏi: “Có bao nhiều đảng Việt Tân?”
Đảng Việt Tân là từ Mặt Trận Hoàng Cơ Minh (Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam) mà ra. Còn Đảng Cách Mạng Việt Tân cũng có nguồn gốc từ Mặt Trận, tên cũng lấy chữ Việt Tân. Trong khi Việt Tân có em ruột ông Minh là ông Hoàng Cơ Định,thì Cách Mạng Việt Tân có anh ruột ông Minh là ông Hoàng Cơ Long, xét về mặt “truyền thừa giòng dõi” thì hai bên ngang nhau.
Nên chuyện ai mới là truyền thừa chính thống của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng coi ra không đơn giản chút nào.
Giả sử điều ông Hoàng Cơ Định nói sẽ xảy ra trong một ngày không xa: “...sớm muộn Việt Nam cũng phải theo thể chế đa đảng...”, và nếu cái lúc đó thật sự xảy ra, thì cùng với Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đảng Vì Dân, Đảng Thăng Tiến Việt Nam, Đảng Tân Đại Việt, v.v. thì việc cùng mang tên Việt Tân, cùng nguồn gốc Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, sẽ có tạo ra khúc mắc, trở ngại gì không cho việc Việt Tân và Cách Mạng Việt Tân ứng cử vào cơ quan lập pháp hoặc hành pháp của một chế độ Việt Nam đa đảng?
Theo Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.