Trở về trang đầu » » Cần thể hiện Văn Hóa Từ Chức

Cần thể hiện Văn Hóa Từ Chức

Chu Văn An Từ Quan về ở ẩn (ảnh TL)
Từ chức tức là tự mình tự nguyện xin từ bỏ chức vụ của mình. "Từ chức” không phải là vấn đề thuộc phạm trù luật pháp. Luật pháp cấm người ta làm điều ác, chứ không cấm người ta làm điều thiện. Chẳng có tội phạm nào gọi là "Tội từ chức”... Từ chức là một nét văn hóa đẹp và cần thiết trong đời sống xã hội, là một trong những cơ chế xã hội tự điều chỉnh mình.

Từ chức cũng có nhiều lý do khác nhau. Chu Văn An từ quan về ở ẩn sau khi "Thất trảm tấu” không được Nhà Vua chấp nhận. Năm nào, ông Nguyễn Kế Hào xin từ chức Vụ trưởng Vụ Cấp I vì không chấp nhận kiểu cải cách O-E và một số trường hợp khác... Cũng có thể xin thôi việc vì gia cảnh khó khăn hoặc không chịu nổi áp lực bè phái, quan liêu, kèn cựa, trù úm... Những lý do từ chức này thật đáng tiếc, xã hội không dùng được người có thực
tài. Từ chức do mình cảm thấy bất lực hoặc yếu sức hoặc vì lý do nào đó mình không cáng đáng được công việc và nhường ghế cho người khác để ích nước lợi nhà. Những người từ chức theo lý do này rất đáng hoan nghênh. Họ là những người có nhân cách, có lương tâm, có lòng tự trọng, có cảm giác xấu hổ...
Không kể đến những người phải ngậm ngùi từ chức vì tổn thất do mình gây ra có nguy cơ bị "bật mí” nên họ tìm cách " từ chức trốn tội", "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” để "Hạ cánh an toàn”...

Vì sao xã hội mình không it sự việc xẩy ra hậu quả nghiêm trọng mà chẳng mấy ai chịu từ chức? Hóa ra là quyền lực cũng có tính quy luật của nó. Người có quyền lực thường không muốn từ bỏ quyền của mình. Người có quyền lực thường có xu hướng sử dụng tối đa quyền của mình (kể từ nhân viên, công chức nho nhỏ... cũng thích sử dụng tối đa quyền của mình). Vì thế, nếu không có một quy định rằng: Người nào lạm dụng quyền hạn " sẽ bị luật pháp truất quyền" thì người có chút quyền lực sẽ thỏa sức lộng hành, gây nhiều phiền hà cho dân chúng, kỷ cương, luật pháp không còn...

Để có nét văn hóa từ chức đẹp cần có điều kiện cần và đủ. Đó là:

- Dư luận đúng đắn của xã hội, nhận xét đúng và công bằng của số đông. Số đông it ra có hàng vạn con mắt, vạn cái tai để nhìn, để xem, để nghe, để biết và hiểu rõ nhân cách của người có quyền lực... Từ đó họ sẽ tạo thành dư luận xã hội - một phương tiện hết sức quan trọng tạo nên sức ép buộc người ta tự điều chỉnh hành vi sai trái.

- Luật pháp nghiêm minh làm chỗ dựa cho đạo đức, cho dư luận xã hội.

- Những thông tin đúng đắn của báo chí và các phương tiện truyền thông

- Việc lựa chọn cán bộ cũng cần xem xét cả về mặt phẩm chất, lương tâm, có lòng tự trọng, biết tự hổ thẹn, biết tôn trọng dư luận xã hội đúng đắn.

Hiện tượng lộng quyền có nguồn gốc sâu xa. "Một người làm quan,cả họ được nhờ” hoặc "Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình"... Tâm lý này ăn sâu vào tiềm thức của dân mình, khêu gợi con người khi có chức có quyền, khiến cho cán cân công lý nghiêng ngả... Cùng với tâm lý đó, đồng tiền trở thành giá trị số một, quyền lực trong tay, học cao biết rộng nhưng tỷ lệ nghịch với trình độ nhân văn. "Nói xuôi cũng được nói ngược cũng xuôi”... Cho nên không it người mất đi cảm giác xấu hổ, dư luận bị vô hiệu hóa, mất đi tác dụng điều chỉnh xã hội của nó! Ai làm gì cũng "Ma-kê-nô” (mặc kệ nó)...!

Đành rằng kẻ thù luôn luôn tìm cách kích động, quấy phá, xuyên tạc sự thật để chống phá đất nước chúng ta, song hơn lúc nào hết, chúng ta cần sàng lọc tỉnh táo, để nhìn nhận rõ đâu là lòng dân, đâu là sự phá hoại của kẻ địch. Trước đây, dân cảnh báo: ”Mỗi người làm việc bằng hai/Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe”... Nếu ta có biện pháp ngăn chặn từ lúc đó thì sẽ hạn chế nhiều tình trạng tham nhũng lan tràn như ngày nay.

"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã bị tha hóa” là một sự đánh giá đúng đắn của Hội nghị Trung ương 4 của Đảng. Cán bộ thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm, mất cảm giác hổ thẹn trước việc làm sai trái của mình, làm mất lòng tin của dân... nhưng họ vẫn chạy chức, chạy quyền, chạy tội... là những biểu hiện của một bộ phận cán bộ, đảng viên đó.

Một xã hội lành mạnh thì kẻ lộng quyền sẽ bị luật pháp vào cuộc, nhẹ thì nhắc nhở, khiển trách, miễn nhiệm... Nặng thì cách chức, buộc thôi việc, truy tố hình sự...

Không ít người "hiện đại" rất thực dụng và khôn khéo ngụy biện với câu: ”Lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh". Vì thế không it người trở thành "không biết xấu hổ". Hiện trạng vì lợi ích nhóm, hành vi lộng quyền có nơi có chỗ đang diễn ra, có khi được cấp trên che chở, bỏ qua, rồi "chìm vào im lặng đáng sợ. thì khó nói đến chuyện "văn hóa từ chức”.

Muốn có văn hóa từ chức, cần chọn những cán bộ có tài, có tâm vào các cơ quan công quyền, khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền... suy thoái về tư tưởng chính trị, về lối sống... mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 và Hội nghị cán bộ toàn quốc mới đây.

Dân thương và chia sẻ với những cán bộ có tâm khi mắc khuyết điểm thiếu sót bất khả kháng nhất thời. Đã làm, tất khó tránh có khuyết điểm. Bác có lần nói: Chỉ có ông Bụt và người nằm trong quan tài mới không có khuyết điểm. Những người như thế, không nên vì lòng tự trọng quá cao, mặc cảm vì khuyết điểm nhất thời mà vội vã xin từ chức.

Chúng tôi hoan nghênh và tin tưởng rằng việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 sẽ góp phần giữ gìn nền văn hóa dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm trong đó có nét văn hóa từ chức.

TS Lê Tiến Hùng
Giới thiệu bài nầy :

1 nhận xét:

  1. Nặc danh12.10.12

    thấy các bác dốt mà ngồi tại BCT, hãy từ chức để cho người tài đức ngồi .

    Trả lờiXóa

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us