Trở về trang đầu » » MẶT TRẬN TỔ QUỐC KÊU GỌI XÓA BỎ CHỦ NGHĨA KHÔNG TƯỞNG MÁC LÊ

MẶT TRẬN TỔ QUỐC KÊU GỌI XÓA BỎ CHỦ NGHĨA KHÔNG TƯỞNG MÁC LÊ

Không tưởng và Khoa học (14/11/2012)
Chế độ phong kiến vào thời kỳ cáo chung đã phơi bày mọi sự thối nát, tàn bạo đến tột cùng. Lịch sử gọi đó là đêm dài đen tối của nhân loại. Quyền con người bị chà đạp đến tận đáy. Chính trong bối cảnh đó, từ cuối thế kỷ XIV, đã xuất hiện quan điểm về thiết lập một chế độ xã hội không có bạo chúa, không phân biệt giàu nghèo, một xã hội mà người với người là bạn. Vào nửa cuối thế kỷ XIX, những quan điểm này đã trở thành học thuyết. Mục tiêu của nó là chống lại chế độ áp bức bóc lột nặng nề của giai cấp tư bản. Đến thế kỷ XX nó trở thành trào lưu triết học rất thịnh hành ở châu Âu, đặc biệt ở Pháp, Đức, Anh và Mỹ…

Các triết gia theo quan điểm này khởi xướng, cổ vũ công cuộc xây dựng xã hội bình đẳng, bác ái với mô hình là những Thành phố Vườn (city garden). Mỗi thành phố này có khoảng vài vạn dân. Tại đấy sẽ xóa bỏ tư hữu tài sản, không có tệ nạn người bóc lột người. Mọi người làm việc theo năng lực, hưởng theo lao động. Xóa bỏ cách biệt giữa đô thị với nông thôn. Không có cảnh sát, nhà tù, quân đội. Không có kẻ cai trị. Không có người bị trị. Thủ tiêu chính phủ. Bức tranh xã hội mà những nhà không tưởng vẽ ra quả thật là đẹp. Nhưng trong quan điểm, học thuyết của họ thiếu đi phần cốt lõi nhất. Đó là sự thiếu vắng những chỉ dẫn làm gì và bằng cách nào để dân chúng cần lao có thể xây nên những thiên đàng ở hạ giới như mong ước? Vì vậy, những thành phố vườn của họ phác thảo ra chưa bao giờ trở thành hiện thực. Lịch sử gọi họ là những nhà không tưởng.

Tuy vậy những quan điểm, học thuyết của chủ nghĩa không tưởng được nhìn nhận là bước thăng hoa về mặt trí tuệ của nhân loại. Nó để lại cho chủ nghĩa Mác những tư tưởng có giá trị tiên đoán về sự phát triển của xã hội tiến bộ trong tương lai, một xã hội không có tệ nạn người bóc lột người, một xã hội mà con người được coi là động lực toàn năng, là mục tiêu tối thượng. Chủ nghĩa không tưởng được các nhà lý luận kinh điển chủ nghĩa Mác thừa nhận là một trong ba nguồn gốc lý luận chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa không tưởng là sự gợi ý, là tiền đề tư tưởng của lý luận về chủ nghĩa xã hội sau này. Vì vậy không có gì là lạ khi người ta tìm thấy những dấu ấn của trào lưu không tưởng trong phong trào cộng sản quốc tế. Lê-Nin gọi đó là bệnh "ấu trĩ tả khuynh” - căn bệnh muốn đốt cháy giai đoạn, muốn đi tắt đón đầu khi hạ tầng cơ sở chưa được tạo dựng. Ở Việt Nam, trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 30, thế kỷ trước có một vài nơi người ta hô hào dân làng bỏ nhà cửa ra sống chung, làm chung và ăn chung. Vào những năm 70, ở Trung Quốc có phong trào hợp tác xã Đại Trại, nơi đầu tiên đề ra khẩu hiệu "Tam bao”:  Xã viên không phải trả tiền cho việc ăn, mặc, đi lại. Tất cả đều do hợp tác xã bao chi. Toàn Trung Quốc học tập gương Đại trại, đưa nhau đề ra tam, tứ, ngũ, lục bao… Báo chí Trung Quốc ca ngợi hết lời. Dân chúng Trung Quốc cảm nhận chủ nghĩa cộng sản đang đứng đợi ngoài ngõ. Nhưng thực tiễn phũ phàng cho thấy phong trào Đại Trại đã chết yểu vì những nguyên nhân mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra.

Trào lưu không tưởng hiện không còn là một chủ nghĩa đang thịnh hành như ở thế kỷ XIX. Nhưng ý thức hệ của nó không hoàn toàn biến mất. Trái lại nó vẫn còn chi phối hệ quan điểm, tư tưởng của xã hội đương thời. Biểu hiện rõ nét nhất là sự ngộ nhận về quan điểm "bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Không ít người quan niệm, rằng để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải đoạn tuyệt với tất cả những gì liên quan đến chế độ tư bản. Nóng vội trong hợp tác hóa, công hữu hóa quyền sở hữu; phủ nhận vai trò của nền kinh tế đa thành phần; phủ nhận quy luật kinh tế thị trường; kỳ thị, cấm đoán, hạn chế sở hữu tư nhân; do dự, chần chừ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền là minh chứng rõ nét của sự ngộ nhận đó. Không thể không thừa nhận đấy là những di căn của hệ tư tưởng không tưởng. Họ đã bỏ qua lời giáo huấn của Lê Nin rằng :"Chủ nghĩa xã hội có thể thực hiện được hay không là tùy ở kết quả của chúng ta có kết hợp được chính quyền Xô-viết với những tiến bộ mới của chủ nghĩa tư bản. Dùng cả hai hai tay mà lấy những cái tốt đẹp ở nước ngoài theo công thức: Chính quyền Xô viết + trật tự nước Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các Tơ-rớt ở nước Mỹ, ngành giáo dục quốc dân ở Mỹ = Chế độ xã hội chủ nghĩa”. Di căn tương đối phổ biến hơn của trào lưu không tưởng hiện nay được thể hiện dưới dạng căn bệnh duy ý chí. Căn bệnh duy ý chí biểu hiện ở việc đưa ra những mục tiêu phấn đấu cao siêu nhưng làm gì và làm như thế nào thì lại chưa có giải pháp khả thi. Không ít kế hoạch với tầm nhìn đến 20, 30 thậm chí đến 50 năm sau nhưng chưa nêu đủ nguồn lực, biện pháp thực thi, lộ trình và mục tiêu của từng giai đoạn. Căn bệnh duy ý chí còn biểu hiện ở chỗ chỉ hô hào quyết liệt, quyết tâm với những lời cam kết thường rất khó kiểm chứng. Căn bệnh duy ý chí còn thể hiện ra ở lĩnh vực lập pháp. Pháp luật là sự ghi nhận thành tựu đã đạt được chứ không phải là cương lĩnh, phương hướng, đường lối đấu tranh. Pháp luật không thể cao hơn thực tại. Pháp luật hiện hành của nước ta còn nhiều quy phạm mang tính phương châm, đường lối. Pháp luật được thực thi nghiêm là do tính gợi mở, dẫn đường chỉ lối và cách làm để đi đến thành công. Nhưng ở nước ta có biểu hiện nhiều khi việc gì không quản lý nổi thì ban hành điều luật cấm đoán, tăng nặng hình phạt. 

Bệnh duy ý chí phát sinh, tồn tại và phát triển, về cơ bản, là do lạc hậu, bảo thủ về tư duy. Các nước Tây Âu phải mất một trăm năm mới trở thành nước công nghiệp hóa. Nhưng Hàn Quốc chỉ mất hơn 30 năm đã trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thu nhập quốc dân đứng hàng thứ tám trên thế giới. Trung Quốc cũng chỉ mất 30 năm đã trở thành nước có nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Bí quyết của họ không có gì khác là đổi mới được tư duy và hành động. Từ năm 1986, Đảng đã có chủ trương đổi mới toàn diện và đã thu được nhiều thắng lợi to lớn. Nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn là nước mới qua ngưỡng nước kém phát triển. Một trong những nguyên nhân là Việt Nam chậm đổi mới về quan điểm, tư tưởng. Đảng đã chỉ ra rằng đổi mới trước hết là đổi mới tư tưởng. Trong thực tiễn, xã hội ta vẫn chưa thoát ra khỏi hệ lụy của trào lưu không tưởng mà căn bệnh rõ nét nhất là bệnh duy ý chí. Đã đến lúc Đảng ta cần tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ phong trào học tập nghiên cứu thấu đáo để hiểu rõ và vận dụng đúng các quy luật khách quan của xã hội và của tự nhiên. Khoa học là nền tảng cơ bản cho tư duy và hành động. Có như vậy nước ta mới có thể bứt phá thoát ra khỏi căn bệnh duy ý chí, một biến thái của "bệnh ấu trĩ tả khuynh” của trào lưu không tưởng nhưng chưa được nhận diện và đánh giá đúng tác hại.

Luật sư Lê Đức Tiết

Giới thiệu bài nầy :

1 nhận xét:

  1. Nặc danh31.12.12

    Vẫn còn nói xa xa,chung chung!
    Sao ông luật sư nầy không dám nói thẳng:"hãy xoá bỏ chủ nghĩa không tưởng mác-Lênin thì nước VN mới khá lên được !"

    Trả lờiXóa

Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.

"In Honor of Viet Khang Asia69 Việt Nam Tôi Đâu & Anh là Ai"
GÓP Ý MỚI NHẤT
"Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn - 1989"
"In Honor of Viet Khang bản 2 SBTN"
"Hoàng Sa nổi đau mất mát (Bản tiếng Việt)"
"In Honor of Viet Khang Asia Productions"

Liên lạc, gửi bài cho Đảng Làm Báo -- Contact us