Hoàng sa: Đảo Phú Lâm (Việt Nam) |
Gần 1.000 kiều bào tiêu biểu từ 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (về dự hội nghị người VN ở nước ngoài lần thứ hai đang diễn ra tại TP.HCM) đã đồng loạt vỗ tay khi thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) - tuyên bố như thế về quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước.
|
Bảo vệ bằng mọi khả năng
Biển Đông là vùng biển rộng lớn, diện tích khoảng 3,5 triệu km2, có 10 nước và vùng lãnh thổ có liên quan trực tiếp. Lịch sử lâu dài đã khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của VN, nhưng trên thực tế đã có xảy ra tranh chấp. Những lo lắng và băn khoăn của kiều bào dường như được xua tan khi thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn thẳng thắn lý giải nguyên nhân.
Theo thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, ở quần đảo Hoàng Sa có 30 đảo lớn, đảo chìm và bãi ngầm. Năm 1954, Pháp rút khỏi VN để thực hiện Hiệp định Genève, quân đội ta từ miền Nam tập kết ra Bắc. Trong bối cảnh chúng ta chưa đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội đánh chiếm cụm đảo phía đông của Hoàng Sa, trong đó có Phú Lâm là đảo lớn nhất, nơi Trung Quốc đang xây dựng thành trung tâm của cái gọi là “TP.Tam Sa” và xây sân bay có thể cất và hạ cánh cho Su 27, Su 30. Khi quân đội Mỹ rút khỏi VN để thực hiện Hiệp định Paris, và được sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ cụm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974 rồi chiếm đóng trái phép từ đó đến nay.
|
Đối với quần đảo Trường Sa, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định VN là nước đầu tiên làm chủ, nhưng với một vùng biển rộng lớn, trong khi lực lượng hải quân nhỏ bé và điều kiện phát triển còn hạn chế trước đây, chúng ta chỉ đóng giữ ở một số đảo. Năm 1988, tiếp tục lợi dụng lúc chúng ta đang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tấn công chiếm 7 bãi đá ngầm của VN ở quần đảo Trường Sa.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh: “Xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước, chúng ta liên tục và cố gắng bảo vệ chủ quyền bằng mọi khả năng nhưng trong những thời điểm, điều kiện khó khăn nhất định, chúng ta đã không thể giữ trọn tất cả các điểm đảo. Đó là lịch sử để lại như thế. Còn từ đó (năm 1988 - PV) đến nay, VN không để mất một tấc biển đảo nào và chúng ta quyết không bao giờ để chuyện này xảy ra”.
Thiếu tướng Tuấn nói thêm: “Khi xảy ra tranh chấp, chúng tôi biết bà con ở nước ngoài rất lo lắng. Sự quan tâm của bà con là thể hiện lòng yêu nước. Dù có quan điểm, chính kiến khác nhau nhưng chúng ta cùng thống nhất rằng Tổ quốc VN là một, chủ quyền của VN là bất khả xâm phạm”, đồng thời mong muốn bà con có cách nhìn nhận đúng và tin tưởng vào quyết tâm của đất nước trong việc giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là sẽ không bao giờ nhân nhượng để Trung Quốc thực hiện việc độc chiếm biển Đông.
|
Sức mạnh của đoàn kết
Cộng đồng kiều bào quan tâm đặc biệt đến vấn đề biển Đông. Nhiều người ủng hộ việc Quốc hội thông qua luật Biển Việt Nam, cho rằng đây là một hoạt động lập pháp cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của đất nước; đồng thời phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của VN; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước.
Bộ Ngoại giao đánh giá một đóng góp mới và có hiệu quả của cộng đồng kiều bào, đặc biệt là giới trí thức, đó là đã tích cực tham gia đấu tranh cho chủ quyền biển đảo của nước ta. Kết quả là đã hạn chế được một số tạp chí quốc tế đăng bài của tác giả Trung Quốc kèm theo bản đồ có “đường lưỡi bò” phi lý; đã buộc Google phải hiệu chỉnh các bản đồ có thông tin sai lệch về chủ quyền của VN.
Ông Đinh Viết Tứ (Việt kiều Mỹ) nói: “Phần lớn kiều bào cảm thông với nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận nhỏ cực đoan nên có thái độ chống đối, bài xích. Chúng ta phải có những hành động cụ thể để gắn kết cộng đồng kiều bào và người dân trong nước phải là một khối thật sự đoàn kết. Cần phải tạo được sự đồng thuận cao nhằm tăng cường sức mạnh dân tộc để chống lại các thế lực xâm lăng. Để làm được điều này chúng ta cần phải có những thông tin đầy đủ, chính xác, minh bạch cho kiều bào hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn trao đổi bên lề về tình hình biển đảo với bà con Việt kiều - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Nhà báo Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tờ Viet Weekly (Mỹ), nhìn nhận: “Qua quan sát của chúng tôi, báo chí trong nước đã thông tin về chủ quyền biển đảo rất nhiều. Thời gian gần đây, các học giả, chuyên gia nghiên cứu về biển đảo đã công bố rất nhiều tài liệu nói lên chủ quyền của đất nước đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, những thông tin này dường như chưa đến được một cách đầy đủ đối với các mạng truyền thông của người Việt ở nước ngoài. Do vậy, đối với những người bàng quan thì họ xem những thông tin bịa đặt, bóp méo của những cơ quan truyền thông chống đối là thật và tin vào đó. Những kiều bào chưa trở về quê hương đất nước lần nào thì ít nhiều vẫn còn những định kiến về chủ quyền biển đảo mà VN đang tích cực bảo vệ”.
Để tăng cường niềm tin của tất cả kiều bào đối với chủ quyền biển đảo, nhà báo Etcetera Nguyễn mong muốn nhà nước cần tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đi hướng về biển đảo cho cộng đồng kiều bào, mở rộng hơn nữa cho giới báo chí hải ngoại, kể cả những cơ quan truyền thông chưa có sự thông cảm và đang khác biệt về chính kiến đối với VN có điều kiện thuận lợi tiếp cận, tham gia tìm hiểu về chủ quyền biển đảo.
“Trường Sa không phải là vùng đất chỉ để ra tìm sự thích thú mà là để tìm hiểu, giải tỏa những thông tin còn bán tín bán nghi của kiều bào về chủ quyền của đất nước”, nhà báo Etcetera Nguyễn nói.
Tạo luồng dư luận mới
|
Đình Phú (Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền chính trị của công dân.Trên tinh thần tự do ngôn luận và tôn trọng lẫn nhau, Đảng Làm Báo sẽ tôn trọng mọi ý kiến phản biện.